Con người đã đến Australia từ ít nhất khoảng 65.000 năm trước đây, sớm hơn 18.000 năm so với tính toán từ trước đến nay.
Đây là kết quả nghiên cứu công bố ngày 20/7 sau khi các nhà khảo cổ tìm thấy các lưỡi rìu và đá mài tại một hang động ở khu vực cực Bắc của Australia.
Các nhà khoa học Australia đã sử dụng kỹ thuật xác định niên đại cổ vật bằng carbon phóng xạ cũng như tia lazer. Những dụng cụ cổ đại được tìm thấy ở một mỏ khai thác uranium ở Rio Tinto, cách Darwin 300km về phía Đông.
Kết quả nghiên cứu đã thay đổi hiểu biết về sự "xâm chiếm" của con người tại châu lục này, dẫn tới hình thành văn hóa thổ dân, vốn được cho là bắt đầu từ khoảng 47.000 năm trước đây.
Người đứng đầu nghiên cứu trên Chris Clarkson cho biết kết quả nghiên cứu cũng thay đổi hiểu biết khoa học về thời điểm con người di cư khỏi châu Phi, cái nôi của loài người.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng con người lần đầu tiên rời châu Phi vào khoảng thời gian giữa 100.000 năm trước đây và 60.000 năm trước đây. Tuy nhiên, với việc con người đã xuất hiện ở Australia, điểm cuối cùng của cuộc di cư lịch sử này, từ ít nhất 65.000 năm trước đây, nghiên cứu mở ra khả năng con người đã rời châu Phi sớm hơn thời điểm trên.
Bài báo của Clarkson được đăng trên tạp chí Nature.
Tháng trước, một nghiên cứu cũng công bố trên tạp chí này đã thay đổi sự hiểu biết về nguồn gốc sơ khai của con người. Một hóa thạch người được phát hiện ở Maroc có niên đại cách đây 300.000 năm, nhiều tuổi hơn khoảng 100.000 năm so với bất kỳ hóa thạch nào được tìm thấy trước đây./.