Nghiên cứu mới hé lộ kỹ thuật lên men rượu gạo từ 10.000 năm trước

Nhóm nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng về việc người cổ Thượng Sơn cách đây 10.000 năm không chỉ sử dụng gạo làm lương thực chính mà còn làm nguyên liệu để ủ đồ uống lên men.

Các di chỉ và hiện vật của nền văn hóa Thượng Sơn. (Nguồn: SCI)
Các di chỉ và hiện vật của nền văn hóa Thượng Sơn. (Nguồn: SCI)

Một nghiên cứu mới đây, đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, cho biết đã tìm thấy bằng chứng về một loại men gạo có niên đại khoảng 10.000 năm trước tại một địa điểm văn hóa ở Trung Quốc, qua đó cho thấy nguồn gốc thuần hóa cây lúa và cách thức người xưa ở châu Á đã tạo ra men rượu gạo như thế nào.

Theo nghiên cứu, nền văn hóa Thượng Sơn ở vùng hạ lưu sông Dương Tử của Trung Quốc cổ đại đóng vai trò trung tâm trong việc tìm hiểu nguồn gốc quá trình thuần hóa cây lúa và lên men rượu.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Mỹ), Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Chiết Giang đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để nghiên cứu các hiện vật có từ giai đoạn đầu của văn hóa Thượng Sơn cách đây 10.000 năm.

Qua phân tích các di vật vi mô liên quan đến đồ gốm, trong đó có phytolith, hạt tinh bột và nấm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về việc người cổ Thượng Sơn không chỉ sử dụng gạo làm lương thực chính mà còn làm nguyên liệu để ủ đồ uống lên men.

Đây có thể nói là kỹ thuật lên men rượu sớm nhất được biết đến ở khu vực Đông Á và những đồ uống có cồn dường như đã có vai trò quan trọng trong các nghi lễ thời xa xưa, qua đó đã thúc đẩy việc trồng lúa rộng rãi thời Trung Quốc cổ đại.

Giáo sư Li Liu từ Đại học Stanford cho biết khi mới bắt đầu nghiên cứu về các đồ uống lên men cổ xưa vào năm 2012, ban đầu ông giả thuyết rằng các bình gốm Thượng Sơn có thể đã được dùng cho quá trình lên men.

Tuy nhiên, sau khi phân tích các bình gốm từ thời kỳ đồ đá mới ở vùng sông Hoàng Hà, nhóm nghiên cứu đã chính thức tìm thấy bằng chứng về quá trình lên men rượu gạo, từ đó thúc đẩy họ nghiên cứu sâu hơn về các vật liệu thời Thượng Sơn.

Những bằng chứng khoa học từ thời kỳ đầu của văn hóa Thượng Sơn khẳng định quá trình thuần hóa cây lúa và tạo ra đồ uống lên men từ gạo có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có thể bắt nguồn từ miền Nam Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực dọc theo sông Dương Tử.

Hai kỹ thuật này không chỉ phục vụ nhu cầu sinh tồn mà còn đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục