Nghiên cứu mới về bầu khí quyển của Sao Kim kết luận rằng sự sống sẽ không thể tồn tại trên hành tinh này vì nồng độ nước trong bầu khí quyển quá thấp trong khi acid sulphuric lại là thành phần chính trong các đám mây bao phủ bầu trời.
Cho tới nay, hành trình đi tìm một hành tinh khác phù hợp với sự sống của loài người vẫn chưa cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố năm 2020 về việc phát hiện khí phosphine trên Sao Kim - loại khí do vi khuẩn sản sinh trên Trái Đất - đã nhen nhóm hy vọng rằng hành tinh này chính là nơi mà các nhà khoa học đang tìm kiếm.
Các tác giả của nghiên cứu này sau đó cũng tiếp tục đánh giá sâu hơn những kết quả mà họ tìm được.
Trong khi đó, các nhà khoa học tại Đại học Queen ở Belfast đã thực hiện nghiên cứu để kiểm chứng lý thuyết trên theo một khía cạnh khác để xem liệu có đủ nước trong bầu khí quyển của Sao Kim để đảm bảo sự sống hay không.
[Hiệp định Artemis: New Zealand ký thỏa thuận hợp tác vũ trụ với NASA]
Năm 2017, nhà vi sinh học John Hallsworth đã phát hiện ra những loại nấm trên Trái Đất có thể tồn tại ở môi trường có độ ẩm chỉ khoảng 58,5%. Đây được cho là môi trường khô nhất có vi khuẩn hoạt động từng được biết đến.
Nhà vi sinh học này cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm cách chứng minh rằng loại nấm này có thể hoạt động trên sao Kim. Tuy nhiên, kết quả là không có loại sinh vật nào có thể sinh sống trên Sao Kim vì môi trường ở đây có quá ít nước, với độ ẩm chỉ có 0,4%,thấp hơn 100 lần so với yêu cầu tối thiểu.
Dù lưu ý các kết luận trên được đưa ra dựa trên các dữ liệu giới hạn trong những quan sát trực tiếp sẵn có và chưa đầy đủ, nhưng nhà khoa học Chris McKay, từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu cũng thừa nhận khó có khả năng những kết quả trên thay đổi khi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang phân tích những dữ liệu có được từ các tàu thăm dò vũ trụ ở các hành tinh khác để xác định nơi có khả năng đủ lượng nước cần thiết để hỗ trợ sự sống và ghi nhận những số liệu tích cực ở Sao Thổ./.