Nghiên cứu giống khoai tây có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu gây ra các đợt mưa lớn, trong khi khoai tây là giống cây không thích hợp với các điều kiện ngập nước hoặc ẩm ướt. Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu giống khoai tây mới.
Nghiên cứu giống khoai tây có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Các nhà nghiên cứu của Đại học Maine (Mỹ) đang thử nghiệm lai tạo giống khoai tây có khả năng chống chịu tốt hơn với nhiệt độ ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu.

Bangor Daily News, trang tin trực tuyến lớn nhất của bang Maine, miền Đông Bắc nước Mỹ, dẫn lời giáo sư về sinh thái và quản lý cây trồng Gregory Porter cho biết nhiệt độ ấm lên và mùa canh tác kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề về chất lượng cây trồng và dịch bệnh.

Theo Giáo sư Porter, giới chuyên gia dự báo biến đổi khí hậu sẽ gây ra các đợt mưa lớn hơn, trong khi khoai tây là giống cây không thích hợp với các điều kiện ngập nước hoặc ẩm ướt trong một thời gian dài. Nếu gặp tình trạng này, chất lượng của khoai tây sẽ suy giảm đáng kể.

[Chưa quá muộn để hành động trong vấn đề biến đổi khí hậu]

Do đó, Giáo sư Porter cho rằng nếu muốn tiếp tục canh tác thành công giống cây này tại Maine, các nhà nghiên cứu cần xem xét tạo ra các giống mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Bang Maine đã tránh được nguy cơ mất mùa khoai tây nhờ sự thành công của giống khoai Caribou russet do các nhà nghiên cứu của Đại học Maine phát triển.

Tuy nhiên, Giáo sư Porter lo ngại rằng ngay cả giống cây này cũng không thể chống chịu được nắng nóng cực đoan trước những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Sâu bệnh hại là một yếu tố khác tác động tới sản lượng khoai tây.

Ông Jim Dill, chuyên gia quản lý các loài gây hại tại Đại học Maine Cooperative Extension, cho biết bọ khoai tây Colorado và các loài rệp truyền bệnh đã phát triển mạnh do biến đổi khí hậu.

Ông Dill nhận định việc nhân giống với những thay đổi nhỏ như lá nhiều lông hơn có thể khiến các loài côn trùng di chuyển khó khăn, từ đó có thể giảm bớt sâu bệnh gây hại cũng như giảm bớt nhu cầu phải sử dụng thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên, việc lai tạo những đặc điểm như vậy lên các giống khoai tây hiện nay đòi hỏi quá trình thụ phấn chéo giữa nhiều giống khoai tây khác nhau trong một thời gian dài.

Quá trình này đang được triển khai tương đối thuận lợi và đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm tại nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ.

Chẳng hạn các nhà khoa học đang nghiên cứu sức chống chịu nhiệt độ cực cao của các giống khoai thử nghiệm ở các bang Virginia, North Carolina và Florida.

Trong khi đó, Giáo sư Porter cho biết phải mất 10 năm chọn lọc sau lần thụ phấn chéo đầu tiên và có thể mất từ 2 đến 5 năm trước khi có đủ đánh giá về mặt thương mại để một giống khoai tây mới được đưa ra thị trường.

Trên quy mô toàn thế giới, nghiên cứu nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng cũng đang được tiến hành.

Một nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) được công bố trong tháng này cho thấy biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng trái ngược đến canh tác ngô và lúa mỳ, với sản lượng ngô được dự báo giảm trong khi lúa mì có thể tăng mạnh, sớm nhất là vào năm 2030 theo kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục