Nghiên cứu khả thi giữ nước vùng thượng lưu Đồng bằng sông Cửu Long

Nghiên cứu giải pháp giữ nước vùng thượng lưu Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiến đề nghị các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam phối hợp nghiên cứu giải pháp chuyên sâu giúp Đồng bằng sông Cửu Long giữ nước ngọt và chống xâm nhập mặn.
Nghiên cứu giải pháp giữ nước vùng thượng lưu Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan, tổ chức Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Tại Phiên họp, hai bên đã trao đổi về tiến trình thực hiện các nội dung đã được ký kết trong khuôn khổ của Thỏa thuận từ Phiên họp lần thứ tư Ủy ban liên Chính phủ tại Việt Nam ngày 22/9/2014 tại La Haye, Vương quốc Hà Lan; hai bên đã thảo luận về các bước hợp tác tiếp theo trong khuôn khổ của dự án.

Các nội dung đang thực hiện trong khuôn khổ của Thỏa thuận bao gồm Giáo dục sau đại học về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình hợp tác kinh doanh; Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác Thành phố Hồ Chí Minh-Rotterdam; Dịch vụ khí hậu nước; Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình; Hợp tác Hà Nội-Amsterdam; Chương trình ORIO ở Việt Nam

Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh phiên họp này khẳng định cam kết mạnh mẽ của hai Chính phủ Việt Nam và Hà Lan tiếp tục hợp tác triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, kể từ khi ký kết năm 2010 đi vào chiều sâu và thực chất.

Các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận đã giúp Việt Nam rất nhiều trong việc tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu bằng các đề xuất hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng các kế hoạch, chiến lược này mới chỉ là bước khởi đầu và để biến các kế hoạch, chiến lược này thành hành động cụ thể cần phải có sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, huy động nguồn lực của toàn đất nước mới có thể triển khai thành công các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như đã đề xuất.

Trong thời gian tới, việc triển khai Thỏa thuận hợp tác sẽ tiếp tục được đẩy mạnh về chiều sâu và mở rộng thêm các hướng hợp tác mới.

Hai bên sẽ tăng cường tiếp xúc, trao đổi để xúc tiến những nội dung hợp tác mới trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và những thế mạnh của Hà Lan trong các lĩnh vực như quản lý tổng hợp tài nguyên nước; quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển, chỉnh trị sông; sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; đánh giá và giải quyết các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị…

Trên cơ sở Thỏa thuận và nội dung Phiên họp, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án đã được hai bên thống nhất hợp tác, như Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình; Nạo vét kênh tưới tiêu quy mô nhỏ; Hợp tác Hà Nội-Amsterdam; Thành phố Hồ Chí Minh-Rotterdam , quản lý và thích ứng đô thị…

Từ các Khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và Báo cáo tổng hợp các khuyến nghị liên quan đến lập và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực thực hiện Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” và đặc biệt, thực hiện các giải pháp trước mặt và lâu dài trong việc chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả các giải pháp công trình mang tính “không hối tiếc” đã được nêu ra trong bản Kế hoạch.

Báo cáo những nội dung tiếp nối của kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ t rưởng Bà Melanie Schultz van Haegen cho biết trong tương lai, vai trò thực hiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long của phía Hà Lan phụ thuộc vào dự tính của phía Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình dài hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Bằng kiến thức, chuyên môn, sẽ đóng góp một phần cho quá trình chuyển đổi này.

Tuy vậy, công việc này đòi hỏi nhiều công sức thiết lập các bước để tạo điều kiện phát triển cho Chương trình, ngoài ra sẽ trợ bằng cách tư vấn phương thức kết hợp giữa Quy hoạch không gian, Phát triển không gian cho sông, Quản lý thích ứng cho vùng đồng bằng và Nghiên cứu thực tế để đạt được sự gắn kết tối đa.

Trong khuôn khổ thảo luận nội dung liên quan tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cũng đề nghị phía Hà Lan tiếp tục hỗ trợ, hợp tác về nghiên cứu đặc biệt tập trung vào các đối tượng là nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với những đề tài nghiên cứu cụ thể của Bộ.

Đặc biệt là hỗ trợ về chuyên môn, chuyên gia của phía Hà Lan để các nghiên cứu này mang tính thực tiễn cao, tích hợp được các kiến thức, kinh nghiệm của phía Hà Lan và có thể áp dụng được trong thực tiễn quản lý nhà nước hiện tại.

Ngoài ra, Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là kết quả của hợp tác Việt Nam và Hà Lan trong khuôn khổ Thỏa thuận này đã được thực hiện thành công.

Phía Việt Nam đã rà soát các khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và chính sách ưu tiên của Việt Nam và nhận thấy rằng, việc quản lý nước tại khu vực này cần phải có những biện pháp chuyên sâu hơn.

Nhiều nước vào mùa lũ hay thiếu nước vào mùa khô, phân bố không đều theo không gian lẫn thời gian, xâm nhập mặn... là những thách thức chính mà khu vực này đang phải đối mặt. Chính vì thế các giải pháp giữ nước cho vùng Đồng bang sông Cửu Long cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn giúp khu vực này có thể giữ được lượng nước ngọt cho mùa lũ, phòng chống xâm nhập mặn và khô hạn trong mùa khô.

Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiến, một nghiên cứu khả thi về giải pháp này cần được thực hiện phối hợp giữa chuyên gia Việt Nam và Hà Lan về vấn đề này để có thể tìm ra được các giải pháp khả thi và hữu dụng cho khu vực trong tầm nhìn ngắn và trung hạn, giúp giải quyết các vấn đề mà khu vực này đang phải đối mặt.

"Vấn đề này đã được nêu trong nội dung Phiên họp lần thứ 4 nhưng vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp. Hiện nay, với tình trạng khô hạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra vô cùng khắc nghiệt, một lần nữa tính cấp thiết của nội dung này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chính vì thế, tại Phiên họp này, tôi tiếp tục đề nghị hợp tác của Phía Hà Lan về nội dung này và cần bắt đầu càng sớm càng tốt," Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiến nhấn mạnh.

"Bên cạnh đó, vấn đề tính khả thi trong việc áp dụng khái niệm 'Đảo Cân bằng' đối với Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi coi đây là một ý tưởng mới, đột phá nhằm giảm xâm nhập mặn trong khi vẫn có thể duy trì được chế độ dòng chảy. Khái niệm này giúp xây dựng các mô hình phù hợp với tự nhiên bằng cách tác động và sử dụng các quá trình tự nhiên, tạo ra lợi ích trong việc sử dụng đất, đồng thời cũng tạo ra nhiều lợi ích khác như phòng lũ, cơ sở hạ tầng xanh, phát triển nuổi trồng thủy sản," Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiến cho hay.

Trong khuôn khổ thảo luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ để Biên bản ghi nhớ có thể được triển khai, trước hết là việc lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình. Trên cơ sở đó, một điều khoản tham chiếu sẽ được hai bên cùng xây dựng và thống nhất làm nền tảng để triển khai.

Trao đổi về nội dung triển khai Thỏa thuận năm 2016, hai bên đồng ý tiếp tục phối hợp tìm hiểu các bước thích hợp để thực hiện các khuyến nghị trong bản kế hoạch này, trong đó, tập trung ưu tiên triển khai các dự án và kế hoạch đầu tư có rủi ro thấp.

Hai bên khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để kêu gọi sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế trong việc triển khai các khuyến nghị. Hai bên sẽ xem xét xác định cách thích hợp nhất để hợp tác về các đề xuất quản lý đô thị và hỗ trợ nghiên cứu khả thi về giữ nước ở vùng thượng lưu ở Đồng bằng sông Cửu Long;...

Kết thúc phiên họp, hai bên nhận thấy rằng việc bổ sung thêm nội dung hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu là cần thiết.

Trên cơ sở đó, các bên đã ký kết Bản ghi nhớ về Ký kết Thỏa thuận ORIO09/VN/21 hỗ trợ ORIO Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Ký kết Thư định hướng hợp tác (Letter of Intent) giữa Cục hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng và cơ quan quản lý nước Hà Lan; Biên Bản ghi nhớ giữa Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và Văn phòng Không gian Hà Lan./.

Tham dự phiên họp lần này về phía Việt Nam có đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan khác.

Đoàn Hà Lan do Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường, Vương Quốc Hà Lan Melanie, đồng Chủ tịch phía Hà Lan trong Ủy ban liên Chính phủ dẫn đầu cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Cơ sở Hạ tầng và Môi trường của Hà Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục