Trong năm 2015, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và thông xe toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên và Bình Phước và chuẩn bị đầu tư khởi công hàng loạt công trình trong năm 2016.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất kêu gọi đầu tư một số đoạn đường Hồ Chí Minh quy mô cao tốc để sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch.
Tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 vào chiều 19/1, theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, trong năm 2015, các dự án thành phần triển khai thi công vượt tiến độ, chất lượng công trình đảm bảo các yêu cầu.
Cụ thể, Ban đã hoàn thành các dự án khu vực Tây nguyên và Bình Phước dài 341km/9 dự án thành phần (5 dự án vốn trái phiếu Chính phủ và 4 dự án BOT) vượt tiến độ 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội. Dự án Quốc lộ 61 đoạn Bến Nhất-Gò Quao (10,3km) đã cơ bản hoàn thành, vượt tiến độ 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội, hiện đang làm các thủ tục hoàn thiện để nghiệm thu, bàn giao; dự án Năm Căn-Đất Mũi (51,5km) đã thông xe đoạn qua thị trấn Năm Căn (8km) đầu năm 2015, phần còn lại thông xe toàn tuyến vào ngày 16/1/2016, vượt tiến độ 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội.
“Chỉ tính riêng năm 2015 đã hoàn thành 65% tổng số km đường Hồ Chí Minh hoàn thành trong 5 năm 2011-2015. Phấn đấu mục tiêu đến năm 2020 nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh,” ông Huấn nói.
Đối với dự án BT La Sơn-Túy Loan, Ban đã hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán tạm duyệt, lựa chọn nhà thầu và đôn đốc quyết liệt thi công đồng loạt các đoạn có mặt bằng. Đến nay, đã triển khai thi công 31/31 gói thầu, sản lượng xây lắp đạt khoảng 22% hợp đồng.
“Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đều đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, đến nay chưa xuất hiện hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo giao thông êm thuận. Tuy nhiên, ở một số dự án vẫn còn một vài hư hỏng nhỏ chiếm tỷ lệ không đáng kể (dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây nguyên và Bình Phước tỷ lệ hư hỏng chiếm 0,055%, dự án Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên tỷ lệ hư hỏng là 0,27%), Ban đã kịp thời phát hiện và chỉ đạo khắc phục,” ông Huấn cho hay.
Đặc biệt, các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên hoàn thành đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp nhận nghiệm thu cấp Nhà nước và đánh giá là công trình đạt chất lượng.
“Với đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước, Ban đã rà soát lại thiết kế, điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật trình Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn giải pháp thiết kế hợp lý, giảm chi phí đầu tư xây dựng, nhờ đó đã tiết kiệm được hơn 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án khác,” ông Huấn khẳng định.
Đề cập đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường Hồ Chí Minh, theo ông Huấn, Quốc hội đã đồng ý cho sử dụng nguồn vốn dư của các dự án qua Tây Nguyên để đầu tư dự án khu vực phía Bắc (tuyến tránh Ngân Sơn, tuyến tránh Nà Phặc, Chợ Mới-Ngã ba Trung Sơn, Cầu Bình Ca và đường dẫn đầu cầu). Ban đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến phê duyệt trong quý 1/2016.
Ngoài ra, Chính phủ đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư phần còn lại của dự án Chơn Thành-Đức Hòa sang đầu tư theo hình thức BOT và tiếp tục triển khai dự án Cam Lộ-La Sơn theo hình thức BT. Hiện nay, Ban đang gấp rút hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công trong năm 2016.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chủ trương đầu tư BOT đoạn Đoan Hùng-Phú Hộ (khoảng 23km) thuộc đoạn Đoan Hùng-Chợ Bến (dài 130km). Dự án BOT Quốc lộ 14B đoạn Túy Loan-Cầu Hà Nha được Bộ giao làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ tháng 10/2015. Hiện, Ban đang khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo để khởi công dự án vào quý 2/2016.
Đối với các dự án khác ngoài đường Hồ Chí Minh, Ban cũng đã triển khai thi công và hoàn thành thông xe vượt 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ như dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên (121km) vào giữa tháng 10/2015, dự án cầu Hòa Trung…
Với việc có thêm nhiều dự án mới, theo thống kê của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân năm 2015 là 9,9 triệu đồng/người/tháng, tăng bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng (khoảng 57%) so với năm 2014, vượt 200% kế hoạch đề ra.
Đầu tư cao tốc
Đề cập đến kế hoạch trong năm 2016, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công dự án BT La Sơn-Túy Loan, dự án BOT cầu Ngọc Tháp, dự án BOT Chơn Thành-Đức Hòa, dự án BT Cam Lộ-La Sơn, các dự án sử dụng vốn dư Tây Nguyên… đồng thời huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng đường Nghi Sơn-Bãi Trành, Mỹ An-Cao Lãnh, Đoan Hùng-Chợ Bến, thảm bê tông nhựa lớp 2 đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 để đảm bảo tuổi thọ và độ êm thuận mặt đường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Ngoài ra, Ban cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất kêu gọi đầu tư một số đoạn đường Hồ Chí Minh quy mô cao tốc để sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch đồng thời tiếp tục tìm kiếm, tham gia quản lý một số dự án khác kể cả các dự án ngoài ngành cầu, đường bộ như hàng không, đường sắt, nhằm tạo được nhiều công ăn, việc làm để ổn định và nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức trong thời gian tới.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, Ban quản lý dự đường Hồ Chí Minh được Bộ đánh giá có tiềm năng về tính chuyên nghiệp, được cử đi ứng cứu các dự án khác như dự án Quốc lộ 1 tại Bình Định, Phú Yên. Các dự án đều hoàn thành đúng và vượt tiến độ được giao, ít để xảy ra sai sót, khắc phục các tồn tại rất nhanh.
“Ban có sự chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và các Bộ Tài chính về nguồn vốn dự án, Bộ Tài Nguyên và Môi trường về nguồn cung ứng vật liệu để đưa ra được một lịch trình tiến độ cụ thể của từng dự án để phấn đấu hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội thông tuyến trước năm 2020,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Theo Thứ trưởng Trường, năm 2016, ngành Giao thông Vận tải bước sang giai đoạn mới, đặt ra cho ngành những vấn đề lớn trong đó theo định hướng của Chính phủ thì giao thông vẫn đi trước một bước, đòi hỏi vốn đầu tư, tiến độ chất lượng nhiều hơn.
“Dù ngành giao thông được giao đầu tư nhiều dự án nhưng nguồn vốn lại không tăng. Bộ đặt ra mục tiêu 50% là nguồn vốn ngân sách, số còn lại là xã hội hóa. Do đó, Ban phải kêu gọi đầu tư, chú ý tiếp cận các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức tín dụng để huy động vốn. Trong đấu thầu phải minh bạch, thanh quyết toán nhanh chóng nhằm tạo ấn tượng tốt trong công tác quản lý với nhà thầu,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định./.