Nghiên cứu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi không đồng đều

Theo Opportunity Insights, tỷ lệ người có việc làm trong nhóm 1/3 những người có thu nhập thấp nhất (chưa đến 27.000 USD/năm) vẫn thấp hơn 30% so với thời kỳ trước đại dịch.
Nghiên cứu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi không đồng đều ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Mỹ đang trên đà quay lại các mức như thời kỳ trước đại dịch, nhờ tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và chính sách hỗ trợ của chính phủ, nhưng nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm người lao động thu nhập thấp, vẫn đang loay hoay trong khủng hoảng mà đại dịch để lại.

Theo Opportunity Insights, một dự án chung giữa hai trường đại học Harvard và Brown, tỷ lệ người có việc làm trong nhóm 1/3 những người có thu nhập thấp nhất (chưa đến 27.000 USD/năm) vẫn thấp hơn 30% so với thời kỳ trước đại dịch, trong khi nhóm người lao động có thu nhập cao nhất (hơn 60.000 USD/năm) đã giành lại được công việc của mình.

Theo ông Betsey Stevenson, Giáo sư kinh tế học và chính sách công của Đại học Michigan, sự phục hồi chậm chạp này của nhóm người có thu nhập thấp phần lớn là vì ảnh hưởng của đại dịch tập trung nhiều vào những ngành thường tuyển dụng lao động lương thấp.

Trong số 8,4 triệu việc làm vẫn chưa được phục hồi, có hơn 3 triệu việc làm là ở trong ngành giải trí và nhà hàng-khách sạn, theo Cục Thống kê lao động Mỹ.

Đây chủ yếu là công việc của nhóm người thiểu số và những người không có bằng cấp, đồng nghĩa với việc nhóm người này vẫn đang “vật lộn” với ảnh hưởng của đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người Mỹ gốc Tây Ban Nha (Hispanic) và người da đen lần lượt là 7,9% và 9,6% trong tháng Ba, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người da trắng chỉ là 5,4%.

[WTO nêu những yếu tố quyết định chi phí thương mại toàn cầu]

Sự phục hồi kinh tế thường diễn ra một cách mất cân bằng sau hầu hết các cuộc suy thoái. Nhưng đại dịch COVID-19 lại khác biệt ở chỗ một số loại tài sản nhất định vẫn giữ được “phong độ”. Chẳng hạn như chứng khoán và giá nhà đã tăng lên các mức cao kỷ lục, mà những loại tài sản này phần lớn thuộc sở hữu của nhóm người giàu có, da trắng và có bằng cấp.

Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người da trắng sở hữu 89% giá trị cổ phiếu và các quỹ tương hỗ, trong khi tỷ lệ này của người da đen là khoảng 1% và của nhóm người Hispanic là 0,5%. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận khi xét về trình độ học vấn.

Những người Mỹ có bằng đại học sở hữu đến 83% giá trị cổ phiếu và các quỹ tương hỗ, trong khi tỷ lệ này ở những người chỉ có bằng trung học là 6,5% và những người không có bằng trung học là 0,7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục