Theo kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Di cư và Hội nhập Đức (DeZIM) công bố ngày 5/5, cứ 5 người ở Đức thì có một người từng có trải nghiệm liên quan phân biệt chủng tộc.
Các chuyên gia DeZIM tiến hành nghiên cứu dựa trên một cuộc khảo sát đại diện đối với 5.000 người. Kết quả cho thấy khoảng 66% số người được hỏi đã từng tiếp xúc với phân biệt chủng tộc, thông qua trải nghiệm cá nhân, quan sát hay mô tả về môi trường xung quanh.
[Mỹ ban hành luật chống hành động tư hình do phân biệt chủng tộc]
Theo nghiên cứu, 90% số người được khảo sát thừa nhận rằng nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở Đức và 81% cho rằng mọi người có thể cư xử "theo cách phân biệt chủng tộc" dù không cố ý. Trong khi đó, khoảng 33% cho rằng những người phàn nàn về nạn phân biệt chủng tộc đang “quá nhạy cảm” về vấn đề này.
Giám đốc DeZIM Naika Foroutan cho rằng nạn phân biệt chủng tộc còn tồn tại trong đời sống hằng ngày tại Đức, gây ảnh hưởng không chỉ đến các nhóm thiểu số mà còn đến toàn xã hội, theo cách trực tiếp lẫn gián tiếp.
Giám đốc DeZIM kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tìm cách giải quyết vấn đề này về lâu dài./.