Nghiên cứu bỏ chế độ cộng điểm với cuộc thi Khoa học kỹ thuật

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ nghiên cứu bỏ chế độ cộng điểm với thí sinh đoạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.
Ban tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 trao giải cho các học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Để cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học theo đúng tinh thần khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, chúng tôi sẽ xem xét đến việc chế độ cộng điểm có cần thiết nữa không và có tham mưu về việc sửa đổi trong thời gian tới.”

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 26/3, tại Hà Nội.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, ngay sau khi trao giải, đã có một số phụ huynh có ý kiến cho rằng kết quả thi chưa chính xác.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, ban giám khảo của cuộc thi là các nhà khoa học có học hàm, học vị từ tiến sỹ trở lên, thuộc chuyên ngành phù hợp với từng lĩnh vực, chấm thi chặt chẽ, đúng quy chế.

Mỗi nhóm lĩnh vực sẽ có từ 8 đến 12 giám khảo, tùy theo số lượng dự án, và các giám khảo này sẽ bốc thăm chọn dự án để chấm. Mỗi dự án được chấm ở hai phần với tổng số 100 điểm: phần một chấm trên báo cáo tóm tắt, 45 điểm; phần chấm trên poster và phỏng vấn thí sinh, 55 diểm.

Ở phần một, mỗi giám khảo chấm độc lập, sau đó điểm được tính trung bình. Khi tính trung bình, nếu điểm của giám khảo nào vượt quá 25% so với điểm trung bình thì điểm đó bị loại để tính trung bình lại điểm số của những người còn lại.

Phần hai cũng chấm tương tư, các giám khảo bốc thăm lại một lần nữa để phỏng vấn thí sinh.

Ông Nguyễn Xuân Thành trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo ông Thành, việc chấm thi khoa học kỹ thuật là chấm quá trình nghiên cứu của học sinh, không chỉ chấm kết quả sau cùng, với ba vấn đề: mục tiêu, thiết kế phương án giải quyết vấn đề và tính thực tế triển khai phương án đó.

“Các phụ huynh khi có ý kiến là chưa bằng lòng với kết quả. Để đảm bảo tính công khai minh bạch của cuộc thi, công bằng về kết quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hội đồng chấm thẩm định ở các lĩnh vực có ý kiến, mỗi hội đồng gồm 5 người là các nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu. Kết quả chấm thẩm định phù hợp với kết quả đã công bố của ban giám khảo. Chúng tôi đã có văn bản gửi phản hồi lại cho các phụ huynh,” ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, đến năm 2019, kỳ thi đã được tổ chức trong 7 năm liên tục và đã thu hút ngày càng đông đảo học sinh tham gia. Cuộc thi đã khích lệ học sinh, giáo viên làm quen với việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

[Học sinh Ninh Bình sáng chế giường hỗ trợ người mất khả năng vận động]

Chỉ tính riêng số lượng đề tài dự thi cấp tỉnh là 6.000 dự án. Trong đó có 500 dự án lọt vào vòng chung khảo cấp quốc gia và khoảng 50% số này đoạt giải. Năm nào đại diện Việt Nam đi thi cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh cũng có đội tuyển đoạt giải.

Trả lời báo chí về việc Bộ có tính đến việc sẽ thay đổi về cách thức tổ chức cuộc thi hay không, ông Thành cho biết theo quy chế hiện nay, các thí sinh tham gia cuộc thi ở vòng thi từ cấp tỉnh trở xuống sẽ không được cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Những thí sinh đoạt giải trong kỳ thi cấp quốc gia sẽ được cộng điểm, mức điểm tùy theo từng cấp độ giải.

Bên cạnh đó, những thí sinh bậc trung học phổ thông khi đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi này cũng được hưởng chế độ ưu tiên trong xét tuyển vào các trường đại học.

“Chúng ta đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông, vì thế, đây là cuộc cần khuyến khích, duy trì. Nhưng để đảm bảo cuộc thi là sân chơi cho học sinh yêu khoa học kỹ thuật, chúng tôi sẽ xem xét đến việc chế độ cộng điểm có cần thiết nữa không và có tham mưu về việc sử đổi trong thời gian tới,” ông Thành nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục