Ngày 2/12, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, nghiệm thu Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Tân Qui” sau hai năm triển khai thực hiện tại cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh).
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, dự án đã đạt được các nội dung, mục tiêu đề ra, nhất là yêu cầu về hiệu quả nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng phát triển về quy mô, sản lượng, chất lượng của đặc sản trái cây “Măng cụt Tân Qui” Trà Vinh trên thị trường, giúp tăng thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ha so với trước đây nhờ tăng năng suất, chất lượng và mẫu mã quả đẹp, giá bán cao hơn. Bình quân, chi phí canh tác 1ha măng cụt của các xã viên khoảng 3 triệu đồng, năng suất đạt 10 tấn/ha, thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/ha.
Ông Diệp Văn Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, cho biết huyện Cầu Kè hiện có hơn 500ha măng cụt, tập trung ở xã An Phú Tân. Thành công của Dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho sản phẩm măng cụt mà còn tạo cơ sở thuận lợi để Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa tập thể các sản phẩm đặc sản nông nghiệp khác của tỉnh, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Tân Qui” thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ doanh nghiệp, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh chủ trì thực hiện với tổng kinh phí 537 triệu đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ 375 triệu đồng, số tiền còn lại do đơn vị thụ hưởng kết quả dự án là Hợp tác xã Tân Thành đóng góp.
Tham gia thực hiện dự án, có 34 xã viên của Hợp tác xã Tân Thành được tập huấn về kỹ thuật trồng măng cụt theo tiêu chuẩn VietGap, quy trình thu hoạch, sơ chế đóng gói, đầu mối tiêu thụ, bảo hộ thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm./.