Nghịch lý thực trạng vận tải khách liên tỉnh ở Hà Nội

Vắng khách, nhà xe bỏ "nốt," hoạt động thua lỗ phải bỏ bến ngừng hoạt động là thực tế đang xảy ra tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm tại Hà Nội.
Bến xe Giáp Bát, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Vắng khách, nhà xe bỏ "nốt," hoạt động thua lỗ phải bỏ bến ngừng hoạt động là thực tế đang xảy ra tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm (Hà Nội).

Chưa bao giờ các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh hoạt động tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

"Chúng tôi phải tiết giảm tối đa các chi phí, hoạt động cầm cự để chờ các giải pháp từ các cấp có thẩm quyền và ngành chức năng. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh hoạt động nghiêm túc trong các bến xe, đóng góp thuế, chấp hành đầy đủ các quy định lại rơi vào cảnh lép vế với xe khách trá hình, xe dù,” ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Long Thu chạy tuyến Bến xe Nước Ngầm-Thái Bình chia sẻ.

Nhà xe bỏ bến

Không nằm ngoài dự đoán sau khi thực hiện điều chuyển luồng tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về hai bến Giáp Bát và Nước Ngầm, do tần suất xe hoạt động trên các tuyến này quá dày lại phải cạnh tranh khốc liệt với đội ngũ đông đảo xe hợp đồng, xe dù, nhiều nhà xe hoạt động tại bến Giáp Bát, Nước Ngầm sau một thời gian dài vắng khách, thua lỗ đã phải bỏ bến, ngừng hoạt động.

"Không có khách, nhà xe bỏ bến 'chạy dù,'" không ít nhà xe đã giải thích như vậy về sự "vắng bóng" của các nhà xe bị điều chuyển từ Bến xe Mỹ Đình về hoạt động tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm.

Tại bến xe Giáp Bát, tất cả 60 xe chạy tuyến Hà Nội-Ninh Bình chuyển từ bến Mỹ Đình sang đều bỏ hết, không chạy. Chưa kể một số nhà xe hoạt động tại bến từ trước cũng bỏ bến vì không cạnh tranh nổi với xe hợp đồng.

[Hàng trăm xe bỏ bến ở Hà Nội: Lỗi tại xe sang Limousine hay ‘chạy dù’?]

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra thông báo đình chỉ hoạt động và nhắc nhở đối với gần 530 xe khách liên tỉnh đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm do không đảm bảo 70% số chuyến lượt vận hành mỗi tháng.

Phần lớn các nốt xe này đều điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về từ năm 2017. Theo quy định các xe bị nhắc nhở hoặc đình tài 1 tháng, nếu vẫn tiếp tục vi phạm sẽ cắt nốt.

Ngay cả trong hai tháng cao điểm tháng 12/2018 và tháng 1/2019 là khoảng thời gian nhà xe trông chờ nhất trong năm để bù lỗ thì nhà xe vẫn thi nhau bỏ bến. Các xe bị nhắc nhở và đình chỉ hoạt động chủ yếu chạy các tuyến: Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định.

Nguyên nhân nhà xe bỏ nốt bởi sau khi điều chuyển luồng tuyến từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm tần suất xe hoạt động trên các tuyến này quá dày.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, tại bến xe Giáp Bát có 66 đơn vị vận tải với hơn 100 xe đăng ký có số chuyến hoạt động dưới 70% quy định. Trong số này, gần 30 đơn vị vận tải không hoạt động trong nhiều tháng. Thậm chí, một số doanh nghiệp không đăng ký kế hoạch vận tải khách năm 2019.

Trong ba tháng đầu năm 2019, thống kê tại bến có khoảng 120 nốt xe thuộc 20 doanh nghiệp đã không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng từ 20-40% số lượt chuyến.

Tương tự, tại bến xe Nước Ngầm, các nhà xe không thể “cầm cự” được cũng dồn dập bỏ bến từ đầu năm 2019 đến nay. Trong ba tháng đầu năm tại bến Nước Ngầm đã có 204 nốt xe bỏ bến, chủ yếu là các nhà xe hoạt động trên các tuyến: Nước Ngầm - Nam Định và Nước Ngầm-Thái Bình. Đây cũng là những nốt xe được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về từ năm 2017.

Ông Vũ Văn Tú, cán bộ điều hành Công ty cổ phần xe khách Ninh Bình, cho biết công ty giao khoán doanh thu hàng tháng cho lái xe, trên cơ sở “đảo nốt” để giảm bớt khó khăn cho nhân viên nhưng vẫn không giữ chân được lái xe. Nhiều lái xe đã bỏ xe, xe để đấy ngày nào là doanh nghiệp lỗ ngày đấy.

“Vừa kêu gọi lái xe, nhưng doanh nghiệp cũng chưa biết phải xử lý thế nào đối với xe bỏ không cũng như khoản vay ngân hàng phải trả hàng tháng,” ông Tú than thở.

Hệ lụy của cung vượt cầu

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, do tần suất quá dày trong khi lượng khách không thay đổi, kinh doanh khó khăn nên một số nhà xe đã phải bỏ nốt, bỏ bến, dừng hoạt động; trong đó doanh nghiệp bỏ nốt nhiều nhất là Công ty cổ phần ô tô Ninh Bình; Công ty cổ phần Du lịch thương mại và Đầu tư Thiên Trường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Dũng chạy tuyến Hà Nội-Ninh Bình.

Sau khi nhận được thông báo của Sở Giao thông Vận tải về việc đình chỉ đối với xe không đảm bảo 70% số chuyến theo biểu đồ phê duyệt mỗi tháng, bến xe đang thông báo cho các doanh nghiệp bị nhắc nhở, đình chỉ. Sau khi các cơ quan chức năng thu phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” của các xe vi phạm hoạt động thì bến xe sẽ từ chối phục vụ.

Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết, ảnh hướng nhất đến hoạt động của bến hiện nay là nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động.

Trong khi doanh nghiệp khác muốn bổ sung vào đó nhưng không được vì đã có doanh nghiệp đăng ký, điều này gây khó khăn cho bến trong việc xây dựng tuyến, sắp xếp chỗ đỗ.

Việc Sở Giao thông Vận tải thông báo đình chỉ đối với xe không đảm bảo 70% số chuyến theo biểu đồ phê duyệt sẽ giúp bến xe giải quyết được vấn đề này.

Tình trạng cung vượt cầu trong vận tải liên tỉnh là một trong những nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ở Thủ đô.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, sau khi Hà Nội thực hiện thí điểm vận tải hành khách ứng dụng hợp đồng điện tử, Hà Nội đã có khoảng 50.000 xe taxi và xe hoạt động như taxi, trong khi theo đề án quy hoạch taxi của thành phố Hà Nội đến năm 2020 mới có 25.000 xe và năm 2030 là 30.000 xe.

Việc thí điểm này khiến số lượng ô tô tại Thủ đô tăng nhanh, bao gồm cả xe ngoại tỉnh về tham gia hoạt động; gây khó khăn cho việc kiểm soát phương tiện và vượt quá mong muốn của thành phố, đẩy doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh hoạt động tại các bến xe vào cuộc chiến không cân sức, quyền lợi doanh nghiệp không được đảm bảo, gây ra nhiều hệ lụy.

Biến tướng

Mục tiêu của việc Hà Nội điều chuyển luồng tuyến xe khách nhằm ngăn không cho xe khách chạy vào trung tâm gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, đặc biệt trên đường vành đai 3 và khu vực Bến xe Mỹ Đình vẫn diễn ra phổ biến.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các doanh nghiệp lách luật bằng cách đăng ký các tuyến xe khách liên tỉnh, “quá cảnh” qua Hà Nội nhưng mục tiêu chính vẫn để đón trả khách trên đường vành đai 3 và Bến xe Mỹ Đình.

Bến xe Mỹ Đình. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Điều này dẫn đến nghịch lý trong bến thì vắng khách nhưng tại các văn phòng đại diện của các nhà xe lại hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, nhà xe biến văn phòng bán vé thành bến xe riêng của mình, mọi hoạt động đón, trả khách diễn ra ngang nhiên, thách thức cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tình trạng xe khách dừng, đỗ trả khách tùy tiện cũng vẫn là thực trạng nhức nhối tại thủ đô Hà Nội.

"Xe khách trá hình, xe Limousine, xe “dù” len lỏi vào từng ngóc ngách làng xóm, chạy vào tận trung tâm thành phố, đến khu vực bến Mỹ Đình đón trả khách thì chúng tôi lấy đâu ra khách? Cơ quan chức năng không quản lý được, không dẹp được thì chắc chắn xe khách liên tỉnh sớm hay muộn cũng sẽ bỏ hết bến," tâm tư của ông Trần Văn Huế - đại diện Công ty Sao Vàng, chạy tuyến Đông Hưng (Thái Bình)-Nước Ngầm cũng là bức xúc chung của các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh đang hoạt động trong bến hiện nay.

Các nhà xe hoạt động cầm cự trong bến để chờ các giải pháp từ phía các cơ quan Nhà nước, chờ chủ trương dồn xe các tuyến mỗi tỉnh về 1 bến sớm đi vào cuộc sống, khi đó doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh hoạt động trong bến mới hy vọng có "đất sống," ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc công ty Long Thu chạy tuyến Bến xe Nước Ngầm-Thái Bình bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục