Hộ kinh doanh chưa muốn lên doanh nghiệp: Vì đâu nên nỗi?

Nghịch lý nhiều hộ kinh doanh chưa muốn lên doanh nghiệp

Nhiều hộ kinh doanh tỏ ra không mấy mặn mà với việc lên doanh nghiệp vì phải bỏ thêm chi phí thuê kế toán hay thực hiện kê khai điện tử.
Nghịch lý nhiều hộ kinh doanh chưa muốn lên doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhiều hộ kinh doanh tỏ ra không mấy mặn mà với việc lên doanh nghiệp vì phải bỏ thêm chi phí thuê kế toán hay thực hiện kê khai điện tử.

Trong khi ấy, lập doanh nghiệp hay không là quyền của các hộ kinh doanh, cơ quan chức năng không thể ép buộc. Điều này khiến cơ quan thuế dù muốn cũng chỉ có thể hỗ trợ bằng cách tuyền truyền, hỗ trợ, giải thích.

Lo chi phí

Giãi bày với phóng viên, ông Trần Phước Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Huế thẳng thắn, địa bàn chi cục có khoảng 7.000 kinh doanh và phía chi cục đã giao nhiệm vụ tới từng đội thuế vận động hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Chưa có số liệu chính xác nhưng theo ông “có hộ hứa lên nhưng có hộ thì chưa.”

[Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp]

Là người tiếp xúc trực tiếp với người nộp thuế, ông Ngọc cho rằng, tâm tư của một số hộ kinh doanh là lo phải kê khai thuế, hình thức kê khai ra sao. Đặc biệt, điểm e ngại nhất theo ông Ngọc là các hộ kinh doanh sẽ phải thuê kế toán viên.

Ông lấy ví dụ về việc nhiều nhà hàng doanh số có thể không nhiều nhưng rất nhiều chứng từ phải xử lý nên thường sẽ phải có một kế toán ngồi tại cửa hàng để làm việc. Ông tính trung bình, mức lương dành cho kế toán viên làm công việc tương tự ít nhất là 4 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, một năm, hộ kinh doanh này sẽ phải mất thêm gần 50 triệu đồng.

Ông nhẩm tính, trên địa bàn Chi cục thuế thành phố Huế quản lý, hiện có khoảng 300 hộ kinh doanh có thể lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính ông cũng không giấu rằng, cơ quan chức năng đã triển khai tuyên truyền nhưng vì không có ràng buộc gì nên ngành thuế không có cách nào là thuyết phục.

Việc này theo ông đặc biệt khó với những hộ kinh doanh truyền thống, chủ cửa hàng là những người cao tuổi.

“Nhiều người ngại vì phải bỏ tiền nuôi bộ máy, quản lý, con dấu, hóa đơn,…” Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Huế nói.

Còn với ông Ngô Việt Tiến, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu (Đà Nẵng), ông thống kê, mọi năm tại địa bàn ông có khoảng vài chục hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, có nhiều nguyên nhân để hộ lên doanh nghiệp trong đó bao gồm cả mô hình, đường hướng của chính hộ đó chứ không hoàn toàn là “nghe” theo cơ quan chức năng.

Ông khẳng định, phía chi cục đã mời các hộ quy mô lớn lên để hướng dẫn các điều kiên lên doanh nghiệp. Tuy vậy, không phải hộ nào cũng nguyện ý thay đổi. Một trong những lý do được nêu lên là lo lắng về hóa đơn, chứng từ.

Cần thêm sự khuyến khích

Nói về giải pháp từ cơ quan thuế, ông Trần Phước Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Huế cho rằng, lập doanh nghiệp là quyền của từng hộ kinh doanh và hiện không có chế tài cho việc này nên nếu “không cẩn thận là thành ép buộc các hộ.”

Điều này theo ông cũng được các cán bộ thuế giải thích cặn kẽ với người nộp thuế để các hộ hiểu cơ quan chức năng chỉ vận động chứ không ép buộc.

Tuy vậy, theo ông, để các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp với số lượng nhiều hơn thì có lẽ cần thêm những ưu đãi về thuế.

Có quan điểm khác, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội lại không cổ vũ việc hỗ trợ các hộ bằng việc miễn, giảm thuế.

Điều này theo ông có thể dẫn tới tình trạng hộ sau khi lên hộ sẽ “nhỏ mãi,” sau khi hết thời gian miễn, giảm thuế thì các doanh nghiệp này lại tiến hành giải thể, phá sản và về lại hộ.

Ông Ngô Việt Tiến, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu (Đà Nẵng) thì cho rằng, nếu muốn các hộ lên doanh nghiệp, một trong những vấn đề cần giải quyết là đơn giản hóa chế độ kế toán.

Thậm chí, theo ông, để làm được việc này, có thể cần phải có quy định theo hướng các hộ có doanh thu ở ngưỡng nào thì buộc lên doanh nghiệp, nếu không sẽ không cho sử dụng hóa đơn.

Góp ý thêm, ông Hoàng Văn Cường phân tích, bên cạnh số lượng doanh nghiệp, vấn đề cần quan tâm là giúp các hộ kinh doanh lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Ông cảnh báo, nếu chuyển thành doanh nghiệp nhưng đơn vị đó không hoạt động được để rồi lại “chết” đi thì hiệu quả cho nền kinh tế là không có.

Bởi vậy, ông cho rằng, Nhà nước không những chỉ cần hỗ trợ về việc kê khai thuế mà cần tính tới việc tư vấn về phương án kinh doanh, chiến lược phát triển. Việc này theo ông tất nhiên không thể chỉ cơ quan Nhà nước làm mà cần mở rộng khu vực tư nhân./.

Trong tháng 3/2018, toàn quốc có 7.716 doanh nghiệp thành lập mới. Lũy kế từ đầu năm, có 26.492 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 247 doanh nghiệp (0,94%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm tới hết tháng Ba, cả nước có 17.314 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, tăng 1.751 doanh nghiệp (11,25%) so với cùng kỳ năm 2017.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục