Nghịch lý khoáng sản: “Nghèo trên đống vàng”

Nghịch lý khoáng sản: “Dân nghèo trên đống vàng”

Trong khi các doanh nghiệp khai khoáng chỉ dồn sức “rút” tài nguyên, thì  chính người dân sở tại lại phải đối mặt cái đói, cái nghèo triền miên.

Được đánh giá là một trong những địa phương giàu tài nguyên khoáng sản nhất của cả nước, song hoạt động khai thác mỏ tại tỉnh Bắc Kạn lại đang gây ra nhiều mất mát và để lại không ít hệ lụy khó giải quyết.

Đáng nói hơn, trong khi các doanh nghiệp khai khoáng chỉ dồn sức khai thác theo kiểu “tận thu,” không có trách nhiệm với nhà nước, cộng đồng thì chính những người dân sở tại lại phải đối mặt cái đói, cái nghèo triền miên ngay trên những “núi vàng” họ bảo vệ. Các doanh nghiệp khai thác thì một đi không trở lại sau khi đã vét sạch tài nguyên.

Hiến đất… “mơ” đổi đời

Nghịch lý khoáng sản: “Dân nghèo trên đống vàng” ảnh 1

      Mỏ khai thác quặng chì, kẽm không hiệu quả tại thôn Nà Nọi.

Trong chuyến đi điền dã tại các mỏ khoáng sản (vàng, quặng, chì, kẽm) nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mới đây, phóng viên Vietnam+ đã được nghe bà con trải lòng về không ít khó khăn, trăn trở của mình khi gửi giấc mơ thoát nghèo vào “khả năng” khai thác mỏ của doanh nghiệp.

Thực trạng phổ biến hiện nay là đa số người dân sinh sống tại các vùng có tài nguyên khoáng sản vẫn chưa có những cơ hội thoát nghèo lẽ ra phải có như việc làm, hay giá trị đền bù đất giải tỏa cho các hoạt động khai khoáng của doanh nghiệp. Điển hình là người dân sống bên miệng mỏ tại các xã của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Là thôn dẫn đầu huyện về số lượng hộ dân hiến đất cho doanh nghiệp, ông Trần Thái Học, Trưởng thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn bộc bạch: “Thôn có 4 mỏ khai thác khoáng sản là Vinh San, Hamico, Ánh Mai và Vạn Lợi. Ngay từ khi các mỏ này được cấp phép khai thác, bà con trong vùng đã hiến đất, tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp làm ăn.”

Và, để tránh tình trạng quá trình khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường, thôn Nà Nọi đã xây dựng quy ước đối với các mỏ như: Công ty được phép khai thác quặng, được phép chuyển quặng đi, được phép tuyển (sàng lọc, rửa quặng) nhưng không được sử dụng hóa chất trong quá trình khai thác, cùng với đó phải tạo công ăn việc làm cho bà con.

“Thấy doanh nghiệp các mỏ đồng ý như vậy, nên bà con trong thôn tin tưởng và tự nguyện hiến đất cho họ khai thác, những mong sớm thoát cảnh đói nghèo,” ông Hợp nói.

Được biết, thôn Nà Nọi có 45 hộ dân (tương đương 186 nhân khẩu). Từ khi các mỏ bắt đầu khai thác đến nay đã có 13 hộ “hiến” khoảng 5ha đất; trong đó chủ yếu là đất sản xuất, đất đồi và một phần diện tích đất trồng lúa.

Chị Trịnh Thị Duyên, một trong những hộ dân đầu tiên tham gia phong trào hiến đất cho doanh nghiệp làm đường vào khai thác mỏ, cho biết mới đầu nghe doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm tại mỏ Hamico, vợ chồng chị rất vui.

“Có cơ hội lợi cả đôi đường như vậy, sao không hiến đất để thoát nghèo,” chị Duyên hồn nhiên nói.

Cùng cảnh đói nghèo như chị Duyên, không ít người dân ở các thôn, xã thuộc huyện Ngân Sơn cũng tham gia “phong trào” hiến đất, để các doanh nghiệp đưa máy móc vào khai thác mỏ, với hy vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.


Nghèo vẫn hoàn nghèo

Để được hưởng “lộc” từ nguồn tài nguyên của Nhà nước, chí ít là vấn đề công ăn việc làm, bên cạnh việc chăm lo cuộc sống hàng ngày, bà con sống ven các mỏ ở huyện Ngân Sơn còn là những người tận tâm canh giữ mỏ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế đã không như người dân nghĩ, bởi hầu hết các mỏ khoáng sản đóng trên địa bàn huyện Ngân Sơn thường sử dụng đội quân có kinh nghiệm trong việc đào hầm, điều khiển máy móc, hoặc những người có “máu mặt” ở miền xuôi. Thành thử người dân vẫn phải đứng ngoài nhìn mỏ.

Nghịch lý khoáng sản: “Dân nghèo trên đống vàng” ảnh 2Vì hiến đất cho nhà mỏ, nhiều gia đình lâm vào cảnh đói nghèo

Trao đổi về thực tế trên, hầu hết người dân sống quanh khu vực các mỏ trên địa bàn thị trấn Nà Phặc như: Vinh San, Hamico, Ánh Mai và Vạn Lợi đều khẳng định “việc khai thác khoáng sản gần như không sử dụng bất kỳ một lao động nào của địa phương.”

Và như thế, ngày qua ngày ở vùng đất khoáng sản này, người dân sớm tối chỉ biết nhìn cảnh các nhà mỏ thi nhau “rút” tài nguyên từ các quả núi. “Giờ thì trắng tay rồi chú ạ!. Đất mất, không được làm công nhân, nên mỗi năm cứ đều đặn 2-3 tháng đói,” chị Duyên nghẹn ngào nói.

Ông Hoàng Ngọc Ngự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn, cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, huyện có 10 mỏ được cấp phép, nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động, các mỏ đều lấy lý do không thấy khoáng sản rồi thi nhau đóng cửa. Hiện chỉ còn duy nhất mỏ Ánh Mai (khai thác chì, kẽm) còn hoạt động.”

Quay lại với câu chuyện của người dân, ông Trần Thái Học, Trưởng thôn Nà Nọi khẳng định: Từ khi đi bắt đầu hoạt động tới lúc đóng cửa, các mỏ không đóng góp được gì cho thôn, thậm chí còn để xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Điển hình nhất là vụ ẩu đả xảy ra vào ngày 1/10 giữa hai mỏ Ánh Mai và Vạn Lợi khiến một số người bị thương phải nhập viện.

Theo lời ông Học, hôm xảy ra tranh chấp có khoảng 45 người đi ôtô con, trong đó có một số người trước đây là công nhân Công ty Vạn Lợi đã xông vào đâm chém công nhân của Công ty Ánh Mai, thậm chí đuổi đánh bất cứ ai có mặt ở khu vực mỏ lúc đó, kể cả người dân địa phương đi chăn trâu, lấy củi.

“Họ đánh nhau gây náo loạn cả thôn, công an đến thu được nhiều vũ khí như dao, kiếm, súng hoa cải. Được biết, nguyên nhân hai công ty tranh chấp là do mâu thuẫn về ranh giới đất đai,” ông Học cho biết thêm.

Không chỉ gây rối làm mất trật tự an an ninh địa phương, theo ông Học, có doanh nghiệp trong lúc tuyển quặng còn sử dụng hóa chất, gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết nhiều cá nuôi của bà con. Để đòi quyền lợi cho mình, bà con trong thôn đã kéo lên đập phá máy móc, bắt nhà máy tuyển quặng phải đóng cửa, không cho hoạt động.


Đáng buồn hơn, vì hiến đất hết cho doanh nghiệp, đến nay gần 80% hộ dân trong thôn Nà Nọi đang thiếu đất để sản xuất nghiêm trọng, trong khi các doanh nghiệp sau khi “vét” sạch tài nguyên, đã thi nhau ngừng khai thác, khiến bà con tay trắng không biết bấu víu vào đâu./.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-LĐTBXH ngày 13/5/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 12 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ hộ nghèo (chiếm 20,39%) và xếp thứ 15 về số hộ cận nghèo (11,25%).

Đáng chú ý, tại một số huyện nghèo thuộc tỉnh như Pác Nặm, Ba Bể, con số hộ nghèo tương ứng chiếm trên 40% và hơn 26%; số hộ cận nghèo chiếm gần 9% và gần 16%.

Không chỉ chiếm tỷ lệ cao về số hộ nghèo và hộ cận nghèo, 91% ngân sách của tỉnh Bắc Kạn hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Điều đáng nói là nguồn thu ngân sách địa phương phụ thuộc chủ yếu vào việc thu thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, tuy nhiên việc nợ đọng thuế, phí của các doanh nghiệp khai khoáng trong tỉnh lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Bài 4 -  Tài nguyên đi đâu khi dân nghèo, nhà nước thất thu

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục