Nghịch lý cung cầu lao động tại TP.HCM, làm sao gỡ nút thắt?

Lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh, tạo nên lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động có tay nghề tại sàn giao dịch việc làm Tp. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Quá trình hội nhập, phát triển và sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia cho rằng, lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh, tạo nên lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này cũng dự báo trong tương lai, người lao động sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm, nhiều lao động sẽ mất việc làm.

Do vậy, ngay từ bây giờ cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ duy trì, tạo việc làm cho người dân, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Gỡ nút thắt

Như ý kiến các chuyên gia, dù có nhiều trường, nhiều đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ bậc đại học, cao đẳng, đến trung cấp nghề, nhưng khoảng cách giữa chương trình đào tạo hiện nay và nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp vẫn chưa được thu hẹp.

Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Thảo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, để đảm bảo đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong quá trình tái cơ cấu kinh tế của thành phố, rất cần dự báo nguồn lao động chính xác, từ đó các trường mới có kế hoạch đào tạo nguồn lao động cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

Cụ thể, khi có dự báo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề sẽ chủ động tăng cường hợp tác, liên kết với đơn vị sản xuất, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm nâng dần tính tương thích đào tạo và sử dụng lao động.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thảo cho rằng, đây là một vấn đề mang tính đổi mới tư duy trong công tác đào tạo nguồn lao động nhằm đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thị trường; giữa cung-cầu; giữa số lượng-chất lượng và cơ cấu để nguồn lao động qua đào tạo được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất nghiệp.

Thời gian qua, một số trường và doanh nghiệp đã chủ động liên kết để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu, nhưng đó chỉ là mối liên kết đơn lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Rõ ràng, vấn đề quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng một công cụ thực sự hiệu quả để có thể thực hiện yêu cầu dự báo chính xác nguồn lao động.

Để nguồn nhân lực đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu cần thiết phải có sự tác động qua lại giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Tấn Thuyết, Phó Giám đốc Toyota Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng, quan hệ giữa doanh nghiệp với các trường chặt chẽ giúp nhà trường hoàn thiện hơn về chương trình giảng dạy, trang thiết bị hiện đại, tạo ra kết quả tốt hơn cho giáo dục.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng các trường nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp thấy rõ được quyền lợi, tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo, chắc chắn chất lượng giáo dục đại học sẽ theo chiều hướng tốt.

[Ngọn nguồn nghịch lý cung-cầu lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Cần giải pháp đồng bộ

Như vậy “nút thắt” đã rõ, làm thế nào để công tác đào tạo theo kịp yêu cầu sản xuất, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ, phù hợp với ngành nghề của doanh nghiệp, theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất là cần hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của cả nước trong bối cảnh hội nhập.

Trong đó, việc đầu tiên là cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp, từ đó phân tích, dự báo thị trường trong ngắn hạn, dài hạn để cung cấp thông tin cơ hội việc làm, khóa đào tạo… giúp người lao động có định hướng lựa chọn học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.

Theo Tiến sỹ Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), giải pháp trước mắt là cơ quan Nhà nước cần tập trung hình thành mạng lưới kết nối các trung tâm giới thiệu việc làm trên toàn quốc, phục vụ kết nối cung-cầu lao động.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác công-tư thông qua các dự án phát triển thông tin thị trường lao động có sự tham gia đóng góp của tổ chức tư nhân về dịch vụ việc làm.

Khi giải pháp nói trên được triển khai hiệu quả, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đạt hiệu quả hơn.

Cụ thể, điều này sẽ khuyến khích người lao động khi thất nghiệp tích cực tham gia tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề để sớm quay lại thị trường lao động.

Song song đó, tiến sỹ Lê Kim Dung cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan chức năng cần thực hiện một cách mạnh mẽ, liên tục công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về lâu dài, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động; kết nối cổng thông tin hướng nghiệp, đào tạo, việc làm thành phố với các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia; điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm, học nghề; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục