Nước Anh đang ấp ủ hy vọng tại World Cup 2018, đội tuyển bóng đá nước nhà sẽ lặp lại thành công của giải đấu năm 1966 và mang về chiếc cúp vinh quang.
Tuy nhiên, nếu may mắn không mỉm cười, thì những người hâm mộ bóng đá ở Xứ sở sương mù cũng có thể tìm thấy sự an ủi rằng những đồ lưu niệm hay kỷ vật mà họ sưu tầm sẽ có giá hơn.
Thị trường buôn bán kỷ vật từ Vòng chung kết World Cup 1966 mà đội tuyển Anh vô địch (sau khi thắng Tây Đức trong trận Chung kết) đang phát triển nhanh.
Các nhà sưu tập sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để mua các kỷ vật, từ áo thi đấu, áp phích cho đến các thú nhồi bông.
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã diễn ra nhiều vụ mua bán "khủng," trong đó phải kể tới như chiếc huy chương vô địch World Cup của cầu thủ Nobby Stiles được bán với giá 160.000 bảng tại cuộc đấu giá năm 2010, trong khi chiếc huy chương vô địch World Cup 1966 của thủ môn Gordan Bank được trao tay với giá 124.750 bảng hồi năm 2001.
Ngài Geoff Hurst, người lập cú hat-trick trong trận chung kết với đội tuyển Tây Đức cách đây 52 năm, hồi tháng 6/2000 đã bán chiếc áo thi đấu với giá 91.750 bảng.
Không chỉ những kỷ vật hiếm mới mang lại lợi nhuận, những kỷ vật khác như cuống vé xem trận chung kết World Cup 1966 được bán với giá 100-250 bảng/chiếc.
Paul Webb, nhà sưu tầm chương trình thi đấu bóng đá hơn 35 năm qua và là người lập trang web buyfootballmemorabilia.co.uk, mới đây đã bán 32 chiếc vé của giải đấu năm 1966 với giá tổng cộng 1.700 bảng.
Theo các chuyên gia bán đấu giá, sự thất vọng đối với thành tích của đội tuyển Anh tại các vòng chung kết bóng đá thế giới càng lớn, thì các kỷ vật của các giải đấu trước đây càng có giá.
Ông Mark Woodhead, chuyên gia đấu giá tại Spirit of Sport, cho rằng không nghi ngờ gì những kỷ vật bán chạy nhất đều liên quan đến World Cup 1966. Đấy là giải đấu duy nhất mà đội tuyển Anh chiến thắng, và vì thế ai cũng muốn có một kỷ vật và sẵn sàng trả giá cao để mua nó.
Trong số những kỷ vật được giá nhất là những kỷ vật có chữ ký. Mới đây ông Webb đã bán một tờ giấy khổ A4 với chữ ký của ngài Alf Ramsey và 17 thành viên khác của đội tuyển với giá 400 bảng, cao hơn nhiều so với mức giá dự tính 250-300 bảng.
Tuy nhiên, một chuyên gia buôn bán kỷ vật khác là Dave Alexander lại cho rằng thực tế chỉ có kỷ vật được huyền thoại Bobby Moore ký là có giá trị, bởi kể từ sau khi đội tuyển Anh giành chiến thắng tại World Cup 1966 thì chả có gì mà đội tuyển này không ký, đồng nghĩa rằng các chữ ký của họ cũng không hiếm.
Kế đến là các ápphích. Ápphích chính thức World Cup 1966, chẳng hạn như ápphích có hình linh vật Willie chứng kiến mức giá bán tăng lên 100 bảng tại các cuộc đấu giá trong những năm vừa qua.
Hồi tháng 12/2017, nhà bán đấu giá Ewbank's đã bán áp phích phim Goal!, một bộ phim hoàn chỉnh về World Cup 1966 với giá 380 bảng, cao gấp hơn hai lần mức giá ban đầu ước khoảng 100-150 bảng.
Các nhà sưu tập báo và tạp chí cũng là những người sở hữu những vật có giá trị.
Nhà bán đấu giá Stacey’s bán bộ sưu tập báo, gồm tờ The People, News of the World, The Express, The Telegraph, The Times, The Mirror và bốn tờ báo Đức, phát hành sau ngày World Cup khép lại (ngày 31/7/1966) với giá 75 bảng. Bộ sưu tập hơn 100 tạp chí Soccer Star và Charles Buchan's Football, gồm cả số đặc biệt World Cup 1966, được bán với giá 42 bảng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những chiếc áo thi đấu của các cầu thủ thắng cuộc trong trận chung kết là những kỷ vật bán chạy.
Chẳng hạn chiếc áo vua bóng đá Pelé mặc trong trận chung kết World Cup 1970 mà Brazil giành chiến thắng được bán với giá kỷ lục 157.750 bảng trong cuộc đấu giá của nhà Christie's hồi năm 2002.
Năm 2014, chiếc áo của cầu thủ người Pháp, Just Fontaine, Vua phá lưới World Cup năm 1958 với 13 bàn, được bán với giá 25.000 bảng, cao hơn rất nhiều so với mức giá chào bán ban đầu 4.000 bảng.
Ngoài ra, những kỷ vật như linh vật nhồi bông với giá bán ban đầu chỉ 1 bảng, song mức giá bán 50-100 bảng ngày nay cũng là sự đền đáp đáng kể đối với những người lưu giữ chúng./.