Nghịch lý ‘có tiền nhưng khó tiêu’ của gói hỗ trợ lãi suất 2%

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng chủ động tiếp cận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Gói hỗ trợ lãi suất 2% bằng nguồn ngân sách nhà nước đến thời điểm này đã triển khai được 1 năm, nhưng số tiền hỗ trợ lãi suất đến nay vẫn còn rất khiêm tốn mặc dù đã được ngành ngân hàng tìm nhiều giải pháp quyết liệt trong thời gian qua. Vì sao kết quả hỗ trợ chưa được như kỳ vọng?

Doanh nghiệp "chê" gói hỗ trợ lãi suất

Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Theo đó, "gói lãi suất" lên tới 40.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp các đối tượng trên sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số tiền các ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đến cuối tháng 4/2023 mới vào khoảng 409 tỷ đồng, chỉ đạt 2,3%. Đây là con số quá khiêm tốn so với tổng quy mô của chương trình.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là khoảng 2.435 tỷ đồng. Vì vậy, căn cứ vào thực tế triển khai, khả năng đạt được mục tiêu này là rất khó.

[Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%]

Hiện VietinBank là ngân hàng có doanh số hỗ trợ lãi suất dẫn đầu hệ thống với số tiền hỗ trợ lãi suất là 96 tỷ đồng.

Tiếp đến là Vietcombank. Ông Nguyễn Việt Cường-Phó Tổng giám đốc ngân hàng cho biết tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đến thời điểm này là 59 tỷ đồng. Ngoài ra, bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã chủ động các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Đại diện BIDV chia sẻ ngay sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng đã tích cực triển khai hướng dẫn thực hiện trong toàn hệ thống. Nhiều văn bản được ban hành, tất cả các chi nhánh cùng vào cuộc, tích cực truyền thông tới từng khách hàng. Nhờ đó, tính đến ngày 30/4, BIDV đã thực hiện hỗ trợ 98 khách hàng với số tiền hỗ trợ lãi suất là 52,2 tỷ đồng.

Trong khi đó bà Phùng Thị Bình-Phó Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết trong suốt một năm qua, ngân hàng đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình đồng thời tổ chức các hội nghị ở nhiều khu vực để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh. Tính đến ngày 18/5 số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng của ngân hàng là 44 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng nhóm Big4 đã hỗ trợ lãi suất là 251,2 tỷ đồng. Số còn lại (157,8 tỷ đồng) là của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dù đã vào cuộc rất tích cực nhưng có thể thấy, kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa được như kỳ vọng.

Lý giải kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, lãnh đạo các ngân hàng cho biết có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng chương trình; khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; khách hàng đáp ứng được điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng lại có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định…

Sản xuất dệt may tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Là người đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình này diễn ra chậm. Trong số đó, tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất.

“Vì đây là hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên việc bị thanh tra, kiểm tra là khó tránh. Phần lợi ích đem lại so với công sức của họ bỏ ra, rồi lại phải thanh, kiểm tra khiến cho doanh nghiệp thật sự ái ngại khi tiếp cận gói hỗ trợ lại,” ông Thân nói thêm.

Cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế

Qua khảo sát không chỉ từ các ngân hàng thương mại, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi,” vì hiện nay các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh… đồng thời kết hợp cả những tiêu chí mang tính chất định tính như là xu hướng kinh doanh của khách hàng.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, chia sẻ ngân hàng muốn giải ngân nhiều hơn cũng không được vì doanh nghiệp không đủ điều kiện. Do đó, ông Hưng đề nghị các bộ, ngành xem xét lại các điều kiện này cho phù hợp thực tế.

Một bất cập nữa được chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh chỉ ra đó là phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách hạn chế, chỉ có 11 ngành nghề mà đây là những ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn, khả năng thu hồi vốn thấp. Do đó, ông Thịnh cho rằng cần rà soát lại các đối tượng và mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất. Có như vậy, việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% mới kỳ vọng được cải thiện trong năm 2023.

Ngoài việc mở rộng đối tượng, ông Thịnh cũng kiến nghị xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí... cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay để sử dụng nguồn lực hỗ trợ sao cho hiệu quả.

Đồng quan điểm, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp (trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%) sang các chương trình khác khả thi hơn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chia sẻ chưa có chính sách nào lại được triển khai tại nhiều hội nghị như Nghị định 31. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn đối với nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp đình đốn, có nhiều doanh nghiệp phải sa thải công nhân… Các ngân hàng cũng đã rất trăn trở, tìm mọi cách để triển khai gói hỗ trợ một cách tốt hơn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, theo Phó Thống đốc, các ngân hàng cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng và phải tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt.

“Giải ngân được thêm đồng nào tốt đồng đó, thêm doanh nghiệp nào tốt doanh nghiệp đó. Các ngân hàng phải có trách nhiệm từ nay đến cuối năm, chủ động tiếp cận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện trường hợp ngân hàng từ chối hỗ trợ khách hàng để xử lý, báo cáo chính quyền địa phương về tình hình triển khai đồng thời tăng cường tuyên truyền chính sách này./.

Điều kiện để được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 là: khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục