Nghĩa tình hai bờ biên giới: Khi dòng máu hồng Việt-Lào hòa quyện

Khi dòng máu hồng của hai dân tộc Việt Nam-Lào hòa quyện vào nhau thì tình cảm của những cư dân nơi biên giới hai nước cũng vì thế mà càng thêm thiêng liêng, thủy chung.
Hai vợ chồng Hồ Văn Đanh, Hồ Thị May trò chuyện với Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. (Ảnh: Hạnh Quỳnh/Vietnam+)

60 năm - nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được sống trong tình đoàn kết, thương mến như anh em ruột thịt dành cho nhau.

Nghĩa tình từ trái tim ấy không chỉ là sức mạnh giúp hai quốc gia, hai dân tộc kề vai, sát cánh cùng chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng xã hội mới, mà còn trở thành mẫu mực quốc tế về tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung trong sáng, hợp tác cùng phát triển, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Và hôm nay, tình cảm giữa người dân hai nước, đặc biệt là nơi dọc dài biên giới chung, lại càng thật tự nhiên. Nghĩa tình đó bền bỉ gắn kết, góp phần đưa tình hữu nghị Việt Nam-Lào lên tầm cao mới.

Nhân 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022), phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài “Nghĩa tình kết nối hai bờ biên giới.”

Bài 1: Khi dòng máu hồng Việt-Lào hòa quyện

Do mối thâm tình giữa hai nước, có rất nhiều người Việt Nam và người Lào đã vượt khoảng cách địa lý, biên giới lãnh thổ mà nên vợ, nên chồng. Họ sinh con đẻ cái, cùng nhau lập nghiệp nơi biên viễn.

Và khi dòng máu hồng của hai dân tộc Việt Nam-Lào hòa quyện vào nhau thì tình cảm của những cư dân nơi biên giới hai nước cũng vì thế mà càng thêm thiêng liêng, thủy chung.

Lương duyên nơi biên giới

Chị Hồ Thị May, 42 tuổi, vui vẻ ngồi ở gian giữa ngôi nhà sàn tại bản A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây gắn bó với chị đã 23 năm, từ khi người phụ nữ gốc Lào có gương mặt hiền lành, đôi mắt đen sâu thẳm này về làm dâu đất Việt.

Cửa chính ngôi nhà của May nhìn ra con đường bêtông vào bản dài gần 1km, theo chuẩn nông thôn mới. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn nằm cạnh những rẫy sắn, chuối xanh mướt.

Nơi nóc một số nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Phía sau lưng May, ô cửa sổ nhìn thẳng ra dòng sông Sê Pôn với các bản làng của vùng Muang Samoyay (tỉnh Savanakhet, Lào) quần tụ dọc theo bờ sông.

Dọc biên giới chung hai nước Việt Nam-Lào kéo dài hơn 2.300km có rất nhiều những đôi vợ chồng Việt-Lào, Lào-Việt. (Ảnh: Hạnh Quỳnh/Vietnam+)

Hồ Thị May nói tiếng Việt rất thạo. Theo lời kể của chị, mối duyên vợ chồng với anh Hồ Văn Đanh, 38 tuổi, vốn là hẹn ước của những đấng sinh thành.

[“Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” tôn vinh quan hệ Việt-Lào]

Bố của May và bố của Đanh dù ở hai bên biên giới nhưng do mối thâm tình giữa hai nước, lại thân quen nhau từ nhỏ nên họ vẫn thường vượt sông Sê Pôn qua lại thăm nhau. Khi bố Đanh ốm nặng, hai nhà đã làm đám cưới cho May và Đanh.

"Thời gian đầu sang Việt Nam, cũng nhớ nhà, nhớ nước Lào, nhớ người thân. Thế nhưng, quê hương và nhà chồng chỉ cách nhau một đoạn sông, phong tục, tập quán, văn hóa lại gần gũi. Chồng lại rất tình cảm, yêu thương vợ con. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành ruột thịt của mình rồi”, chị Hồ Thị May bộc bạch.

Lắng nghe vợ chia sẻ về mối lương duyên Việt-Lào, anh Hồ Văn Đanh, Trưởng bản A Dơi Đớ cho hay lấy nhau năm 1999 theo phong tục, tập quán của địa phương hai nước thì đến năm 2012, họ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Năm 2019, May được nhập quốc tịch Việt Nam.

Bên nhau mấy chục năm, niềm vui và hạnh phúc của hai vợ chồng là tính hiếu học và học giỏi của cả bốn người con, gồm ba trai, một gái. Hiện nay, kỳ vọng của họ đang đặt vào tương lai rộng mở của người con lớn-Hồ Văn Tài, hiện là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

"Bố mẹ không được học cao nên cuộc sống vất vả. Năm 2021, khi Tài thi đỗ đại học, hai vợ chồng đã bán bớt đàn bò 20 con để trang trải tiền học cho cháu. Dù khó khăn vẫn phải lo cho các con học, phải cố gắng để sự vất vả của bố mẹ không lặp lại ở cuộc đời con," anh Hồ Văn Đanh chia sẻ.

Nụ cười và giọng nói ấm áp của người Trưởng bản A Dơi Đớ đưa tới câu chuyện về sự thân thiện, gắn bó của người dân đôi bờ sông Sê Pôn đã “xóa nhòa” ranh giới tự nhiên của hai nước Việt Nam-Lào.

Trong suy nghĩ của họ, ngày trước người dân hai nước đã kề vai chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược thì bây giờ phải biết cùng nhau xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Vậy là, khi người dân bên A Dơ Đới khấm khá lên nhờ trồng chuối liền “bày cách,” giúp những người anh em nước bạn Lào. Chính sự chân tình ấy đã góp phần tạo nên chuyển biến lớn trong tư duy làm ăn cho nhiều hộ dân bên kia bờ Sê Pôn. Cũng chính nghĩa tình đó đã góp phần nảy nở tình cảm rất đặc biệt giữa người dân hai nước.

“Trong tổng số 157 hộ với gần 780 khẩu của A Dơi Đớ thì có 30 cặp vợ chồng Việt-Lào như gia đình mình. Hiện nay, đã có 20 người trong số này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và được nhập quốc tịch Việt Nam,” anh Hồ Văn Đanh cho biết.

Vun đắp tình đoàn kết

Trao đổi về những mối lương duyên Việt-Lào, Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết đơn vị quản lý hơn 18km đường biên giới ở dọc hai xã Ba Tầng, A Dơi của huyện Hướng Hóa.

Thời gian qua, tại bản A Dơi Đớ thuộc xã A Dơi có một bộ phận người Lào trong quá trình sinh sống đã nảy sinh tình cảm và quan hệ hôn nhân với người Việt Nam. Đến năm 2019, đã có 242 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

“Mối quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới đã hình thành, duy trì từ lâu. Nhân dân hai bên đoàn kết, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau. Việc hôn nhân này càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó,” Trung tá Trần Đức Tứ khẳng định.

Ông Hoàng Kỳ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cũng cho hay hiện nay, tỉnh có 756 trường hợp người Lào di cư tự do sang Việt Nam sinh sống trên địa bàn hai huyện là Đakrông, Hướng Hóa được nhập quốc tịch Việt Nam theo đúng quy định.

Sau khi giải quyết xong các thủ tục đăng ký hộ tịch và hộ khẩu cho những trường hợp này, các cơ quan liên quan cũng đã giải quyết các thủ tục, chế độ khác như cấp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Câu chuyện tình xuyên biên giới của Hồ Văn Đanh-Hồ Thị May và hàng trăm cặp đôi Việt-Lào nên duyên vợ chồng không chỉ ở đôi bờ Sê Pôn. Với hơn 2.300km đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào, các bản làng phên dậu của hai quốc gia luôn có mối quan hệ mật thiết, keo sơn.

Khu vực biên giới xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.(Ảnh: Hạnh Quỳnh/Vietnam+)

Tình cảm đó ngày càng thêm bền chặt bởi hàng ngàn cặp đôi Việt-Lào, Lào-Việt đã "phải lòng" nhau rồi cùng xây dựng gia đình.

Tại Việt Nam, với những trường hợp đủ điều kiện để nhập quốc tịch đều được Đảng, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, tạo thuận lợi để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng và được hưởng các chế độ, chính sách, được hưởng quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Như tại tỉnh Sơn La, theo chia sẻ của Giám đốc Sở Tư pháp Trần Thị Minh Hòa, thời gian qua, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Sơn La đã làm việc với một số tỉnh của Lào như Louangphabang, Houaphanh để đối chiếu, thống nhất danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai bên.

Sơn La đã hướng dẫn lập hồ sơ xin nhập quốc tịch cho 299 trong tổng số 350 trường hợp đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo thỏa thuận.

“Việc công nhận quốc tịch, cấp chứng nhận đăng ký kết hôn cho những trường hợp này có ý nghĩa rất lớn trong vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai địa phương, cùng chung sức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới,” bà Trần Thị Minh Hòa khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục