Nghĩa tình của anh em Cuba trong ký ức những người con Việt Nam

Dù cách xa nửa vòng trái đất, không cùng văn hóa và ngôn ngữ, nhưng tình cảm sâu đậm, sắt son về nghĩa tình đồng chí, anh em của người dân hai nước Việt Nam-Cuba là tài sản vô giá.
Nghĩa tình của anh em Cuba trong ký ức những người con Việt Nam ảnh 1Ông Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ II phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhắc đến Cuba, những người Việt Nam từng sinh sống, học tập và làm việc tại quốc đảo này lại dâng lên một cảm xúc đặc biệt.

Những ánh mắt rạng rỡ, hân hoan, say sưa trong những kỷ niệm gắn bó với đất nước Cuba xinh đẹp và những người dân nồng hậu.

Dù cách xa nửa vòng trái đất, không cùng văn hóa và ngôn ngữ, nhưng với họ, tình cảm sâu đậm, sắt son về nghĩa tình đồng chí, anh em của người dân hai nước Việt Nam-Cuba là tài sản vô giá, luôn sâu đậm trong trái tim mỗi người.

Quê hương thứ hai

Sang Cuba học từ năm 1976, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lê Duy Truyền không giấu được niềm tự hào và tình cảm đặc biệt với nơi mà ông có muôn vàn kỷ niệm và coi như quê hương thứ hai của mình.

"Trong mọi thăng trầm của lịch sử, tình cảm của người dân phía Đông-Tây địa cầu vẫn luôn sâu sắc và tình nghĩa. Khi biết là người Việt Nam, dù là gặp lần đầu, người Cuba rất niềm nở, thân thiết như người trong gia đình. Điều đó không chỉ khiến tôi mà tất cả những người Việt từng sống ở Cuba rất cảm động," ông Lê Duy Truyền nói.

[Hình ảnh về quan hệ đoàn kết đặc biệt, thủy chung Việt Nam-Cuba]

Trong suốt những năm học đại học, ông cùng bạn bè tham gia các hoạt động, phong trào của hội sinh viên, đoàn thanh niên Cuba, Ngày Chủ nhật đỏ, lao động tình nguyện... như người dân bản địa.

Ông nhớ nhất những lần cùng hàng triệu người Cuba tham gia vào các cuộc biểu tình, míttinh, tuần hành để chống lại việc Mỹ bao vây cấm vận; ủng hộ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó phản đối chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Là một trong những sinh viên Việt Nam tham gia hoạt động theo chân những nhà cách mạng Cuba, do trường tổ chức năm 1983, ông và các bạn sinh viên đi bộ trong 3-4 ngày trên con đường nhà cách mạng Che Guevara đã chỉ huy đội quân từ các tỉnh miền Đông tiến về giải phóng Sierra Maestra.

Lật lại từng bức ảnh đã tác nghiệp từ khi là phóng viên TTXVN tại Cuba (1987-1991) và sau đó là Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại đây (2002-2005), có cơ hội đi qua tất cả các địa phương của Cuba, ông Lê Duy Truyền chia sẻ có nhiều ngôi trường, bệnh viện, đường phố... của Cuba mang tên đất, tên người Việt Nam.

Nghĩa tình của anh em Cuba trong ký ức những người con Việt Nam ảnh 2Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba phối hợp Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) trao những món quà gồm hàng chục bộ máy vi tính và điện thoại di động cho hai trường tiểu học mang tên “Bác Hồ” và “Võ Thị Thắng” tại thủ đô La Habana. (Ảnh: TTXVN)

Tiêu biểu như trường Tiểu học Tio Hồ (trường Tiểu học Bác Hồ); trường Tiểu học Võ Thị Thắng, đường Nguyễn Văn Trỗi (đều ở La Habana); làng Bến Tre (tỉnh Artemisa); Sân vận động Nguyễn Văn Trỗi (tỉnh Guantánamo)... hoặc một số người Cuba có tên tiếng Việt là Hà Nội.

"Nói về ấn tượng với Cuba, không thể không nhắc tới Chủ tịch Fidel Castro và những bài hùng biện, diễn thuyết của ông. Kể cả đang xếp hàng ăn cơm trong trường, đám sinh viên chúng tôi cũng dừng lại để lắng nghe. May mắn hơn cả, trong lần tác nghiệp năm 1989, tôi rất bất ngờ, xúc động khi được bắt tay Chủ tịch Fidel Castro. Đó là cái bắt tay thật chặt và ấm áp," ông Lê Duy Truyền nhớ lại.

Tinh thần đoàn kết, thủy chung trong sáng, đầy tính quốc tế cao cả của Cuba được thể hiện trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: "Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng lòng dân hai nước gần gũi như anh em một nhà."

Nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN chia sẻ: "Trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba. Tôi tin rằng, thế giới có thể thay đổi, Việt Nam hay Cuba cũng sẽ thay đổi, nhưng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Cuba mãi vẹn nguyên theo năm tháng."

"Chất Cuba" trong người Việt

Hơn 13 năm gắn bó với Cuba, ông Vũ Trung Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương), Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Venezuela, cho biết quãng thời gian học tập và làm việc tại đây là những ngày tháng khó quên bởi vẻ đẹp của đất nước, con người Cuba luôn khơi gợi mọi cảm xúc trong anh.

Đó là những con người hiếu khách, tình cảm nồng nhiệt, luôn mang lại năng lượng tích cực cho tất cả những người xung quanh.

Chính những tính cách đó đã truyền cảm hứng và tạo nên một phong cách cởi mở, thân thiện, "đậm chất Cuba" trong anh và những người Việt từng sinh sống, học tập, làm việc tại đây.

Nghĩa tình của anh em Cuba trong ký ức những người con Việt Nam ảnh 3Ông Vũ Trung Mỹ (giữa), Phó Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản việt Nam, con trai Nhà báo Vũ Văn Âu, chia sẻ tại buổi lễ Hội Nhà báo Cuba (UPEC) đã trao tặng huy chương Félix Elmusa, phần thưởng cao quý nhất của tổ chức này, cho nhà báo-dịch giả Vũ Văn Âu. (Ảnh: Mai Phương/TTXVN)

"Nếu biết mình là người Việt Nam, họ sẵn sàng mời vào nhà uống cafe, ăn cơm và nói rất nhiều chuyện về Việt Nam. Trong tâm trí họ, người Việt Nam rất yêu nước, cần cù, hiếu khách, chăm chỉ và là nơi sinh ra những anh hùng," Đại sứ Vũ Trung Mỹ kể lại.

Đặc biệt, anh còn nhớ rất rõ vào ngày cô con gái thứ 2 chào đời, anh bận làm nhiệm vụ nên chưa kịp về.

Nhưng ngay khi biết tin, bạn bè anh ở Cuba đã qua thăm hỏi, động viên và chúc mừng trước khi... anh biết mặt con.

Biết cô bé sinh đúng ngày 30/4, mọi người đã đặt nickname (biệt danh) cho con gái anh là Victory, có nghĩa là chiến thắng.

Với anh Mỹ, đây cũng là kỷ niệm tươi đẹp và ý nghĩa trong thời gian công tác tại Cuba.

Về tình cảm sâu đậm giữa nhân dân hai nước, Đại sứ Vũ Trung Mỹ chia sẻ Anh hùng dân tộc José Martí chính là người đầu tiên gieo mầm tình cảm thân thiết Việt Nam-Cuba và nhân dân hai nước qua tác phẩm "Một cuộc dạo chơi trên mảnh đất những người An Nam," đăng trên Tạp chí Tuổi vàng dành cho thiếu nhi Cuba từ cuối thế kỷ 19.

Việt Nam và Cuba tuy về mặt địa lý cách nhau nửa vòng trái đất nhưng có rất nhiều điểm chung.

Những nét tương đồng trong tiến trình dựng nước và giữ nước cũng như khát vọng, lý tưởng và truyền thống đấu tranh hào hùng vì độc lập, tự do mà hai nước cùng chia sẻ chính là nền tảng cho mối quan hệ tình nghĩa đặc biệt giữa hai dân tộc.

"Trong suốt hơn 6 thập kỷ qua, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta tự hào về mối quan hệ mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba; đồng thời tin tưởng rằng, các thế hệ người dân hai nước sẽ tiếp tục gìn giữ cũng như viết nên những trang sử mới, làm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này ngày càng sâu sắc, bền chặt hơn nữa," Đại sứ Vũ Trung Mỹ nhấn mạnh.

Sức sống mãnh liệt

Đối với nhà báo Phan Hà Linh, Báo Nhân dân (cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp Matanzas "Camilo Cienfuegos"), Cuba là dân tộc "giàu có."

Với anh, sự "giàu có" này không chỉ bằng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, mà còn từ chính những người dân tốt bụng, nhiệt thành và luôn có cảm tình đặc biệt, dành mọi sự ưu ái với đất nước và người dân Việt Nam.

Trong suốt 6 năm sinh sống và học tập tại Cuba, anh Hà Linh cho biết sinh viên Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần từ người dân quốc đảo Caribe giàu tình cảm.

"Người Việt Nam không bao giờ đi lạc ở Cuba bởi bất cứ người bản địa nào cũng sẽ tận tình chỉ dẫn, thậm chí bỏ thời gian đưa đến đúng địa điểm cần tìm. Ở giảng đường, giáo viên và bạn học cũng luôn quan tâm, thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập, đời sống của sinh viên Việt Nam," anh Hà Linh nói.

Chia sẻ về kỷ niệm khó quên khi học tại đây, anh Linh nhớ lại sự chu đáo, tử tế của các y, bác sỹ, người dân Cuba khi cứu một sinh viên Việt Nam gặp nguy kịch trong vụ tai nạn giao thông.

Ngay tại nơi xảy ra tai nạn, những người dân không liên quan đến vụ việc dùng ôtô cá nhân đưa bạn sinh viên vào bệnh viện lớn nhất thành phố.

Trong quá trình cấp cứu, hội chẩn, phương án chữa trị được đưa ra nhưng cần một số thuốc, vật tư y tế đặc biệt.

Lực lượng y tế đã lập tức huy động nguồn dự phòng quý báu, dốc lòng cứu chữa.

"Điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng tình cảm chân tình từ những trái tim nhiệt thành nơi quốc đảo Caribe có thể khiến bất cứ ai cũng phải khâm phục. Việt Nam và Cuba có thể xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng tình cảm gắn bó hiếm có lại không khác anh em một nhà," nhà báo Phan Hà Linh nói.

Tương tự, trong suốt hơn 10 năm học tập và công tác tại Cuba, nhà báo Phạm Hoài Nam, Báo Tin tức, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Cuba (2011-2015), chia sẻ điều ấn tượng nhất là ý chí quật cường, tinh thần quả cảm của người dân quốc đảo này trong suốt quá trình đấu tranh vì độc lập.

Phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách trước sức ép của lệnh bao vây, cấm vận mà Mỹ đã áp đặt, nhưng người dân Cuba chưa bao giờ chùn bước, luôn kiên định ý chí và sức sống mãnh liệt trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Nhà báo Phạm Hoài Nam nói trong bối cảnh cuộc bao vây cấm vận dai dẳng, người dân Cuba chưa bao giờ khuất phục và thậm chí đó còn là động lực để vươn lên trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, song Cuba luôn được ghi nhận bởi những thành tựu trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế và giáo dục; là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân.

Cuba xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm mọi công dân đều được miễn học phí cho đến hết bậc đại học.

"Cuba cũng là một hòn đảo tươi đẹp và mến khách. Những trải nghiệm tại đây có lẽ sẽ không thể gặp được ở bất kỳ đâu trên thế giới," anh Phạm Hoài Nam nói.

Trong suốt quá trình học tập và làm việc tại Cuba, anh Phạm Hoài Nam cho biết, người dân bản địa luôn dành sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và tình cảm đặc biệt nhất cho Việt Nam.

Cho dù là người có quan hệ trực tiếp với Việt Nam hay là một người dân bình thường, các bạn Cuba luôn nói về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự trân quý lớn lao, luôn thể hiện sự ủng hộ trước sau như một, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nói đến kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời gian ở "hòn đảo tự do," anh Phạm Hoài Nam xúc động nhớ lần được người bạn Cuba không hề quen biết, cho đi nhờ xe.

Trong lần đi tác nghiệp, xe của anh gặp trục trặc và buộc phải dừng lại giữa đường. Đang loay hoay tìm cách xử lý để kịp giờ, có hai bạn Cuba lái xe đi ngang qua hỏi thăm.

Khi biết anh là phóng viên Việt Nam, cả hai không ngần ngại xuống xe hỗ trợ.

Thấy chưa thể xử lý trục trặc trong khi anh lại cần đi gấp, họ đã quyết định chia nhau ra, một người ở lại trông xe giúp và người còn lại chở anh đến sự kiện, chờ anh Nam làm xong, đưa anh trở lại chỗ đỗ xe.

"Sau lần đó, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết và vẫn giữ liên lạc cho đến nay. Kỷ niệm đó với tôi cũng là minh chứng cho tình cảm đặc biệt các bạn Cuba luôn dành cho Việt Nam. Đây cũng là một phần lý do những người Việt Nam có thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại Cuba luôn coi quốc đảo này là quê hương thứ hai của mình," anh Phạm Hoài Nam chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục