Tỉnh Odessa ở miền Nam Ukraine đã một tháng rưỡi nay bị xếp vào "vùng đỏ" về đại dịch COVID-19, mỗi ngày có hơn 1.000 ca nhiễm mới.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu đang đối phó với làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai hay thứ ba, diễn biến dịch tại Odessa, một trong những địa phương của Ukraine có đông người Việt sinh sống nhất này, cũng như trên cả đất nước Ukraine vẫn hết sức phức tạp và khó lường.
Số ca mắc mới theo ngày tại Ukraine liên tục tăng lên các mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hiện mỗi ngày đều trên 16.000 ca.
[Nga và Ukraine ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày cao kỷ lục]
Làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ukraine càng gây khó khăn chồng chất cho cộng đồng khoảng 10.000 người Việt sinh sống và làm ăn tại quốc gia Đông Âu ở quốc gia Đông Âu này, khi mà những thiệt hại do đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi tháng 3, tháng 4 vừa qua vẫn đè nặng.
Tại “vùng đỏ” dịch Odesssa, nơi có hơn 3.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc, hai khu đô thị Làng Sen và Sorsa tập trung người Việt trở thành điểm nóng.
Theo xác nhận của Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng người Việt ở Odessa, khoảng 80 người Việt ở địa phương đã mắc COVID-19, riêng trong nửa tháng trở lại đây có 36 ca nhiễm mới.
Có thời điểm, mỗi ngày ở khu vực Sorsa ghi nhận 5-6 ca người Việt nhiễm virus SARS-CoV-2, ở Làng Sen thậm chí lên đến 10 người.
Trong thời điểm dịch bệnh lây lan mạnh, chính cộng đồng vững mạnh và gắn kết nơi đây là điểm tựa để bà con yên tâm và bình tĩnh ứng phó với COVID-19.
Với kinh nghiệm có được từ đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi mùa Xuân, tháng 9 vừa qua, Tổ y tế cộng đồng của người Việt ở Odessa đã được thành lập để hỗ trợ bà con, từ hướng dẫn đi khám, đọc kết quả xét nghiệm, kết quả chụp phổi tới tư vấn cho người bị bệnh.
Như chia sẻ của bác sỹ Đinh Thị Xuân Nhi, tổ trưởng Tổ tư vấn y tế cộng đồng tình nguyện, thành viên tổ phản ứng nhanh, hoạt động hỗ trợ này đặc biệt hữu ích bởi cộng đồng người Việt tại Ukraine nói chung và tại Odessa nói riêng vốn phần lớn là những người sang Liên Xô trước đây lao động hoặc những người sang Ukraine buôn bán ở các chợ, không nhiều người biết tiếng Ukraine và thường gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng bản địa.
Ngoài vấn đề khám và điều trị, một trong những trọng tâm tư vấn là ổn định tâm lý cho người ốm để họ không quá lo lắng, không mua thuốc uống mà không có chỉ định của bác sỹ.
Có thể nói, nhờ sự ứng phó nhanh, hiệu quả của Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng ở Odessa, những ca nặng đều được nhập viện kịp thời, số người phải thở oxy không nhiều.
Trên thực tế thì ngay từ đợt dịch hồi tháng 3, Hội người Việt Nam tại Odessa đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống COVIFD-19 cho cộng đồng, với việc thành lập Ban phòng chống dịch cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch mới bùng phát lần này, Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng Odessa thường xuyên cập nhật thông tin để tuyên truyền cho bà con người Việt ý thức phòng, chống COVID-19, hình thành tổ phản ứng nhanh để kịp thời hỗ trợ những người cần giúp.
Ngoài ra, Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng cũng đã tiếp xúc, thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Bệnh viện số 1 chuyên chữa trị các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố để khám, chữa trị tích cực cho các trường hợp bệnh nhân người Việt.
Ban cũng lập một trang viber để hằng ngày những người ốm, dù chữa trị ở nhà hay trong bệnh viện, thông báo tình trạng sức khỏe để được tư vấn.
Có những thời điểm, trong bệnh viện có 14 người Việt phải điều trị COVID-19, nhóm hỗ trợ cộng đồng của người Việt ở Làng Sen tổ chức nấu cơm, ngày 2 bữa chuyển vào cho bệnh nhân cùng cả bác sỹ điều trị.
Chính nhờ tinh thần cộng đồng và những giải pháp kịp thời, tình hình dịch bệnh của người Việt tại tỉnh Odessa về cơ bản đã được kiểm soát được, tạo tâm lý ổn định cho bà con.
Không chỉ ở Odessa, những mô hình tương tự như “Quỹ phòng chống dịch bệnh COVID-19” ở thủ đô Kiev cũng như các nhóm “Tương trợ người Việt Ukraine” hay “Tổ phiên dịch tình nguyện” do các bạn trẻ ở Kharkov, nơi có đông người Việt ở Ukraine nhất, thành lập cũng đã phát huy hiệu quả trên thực tế.
Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đang đóng vai trò "cầu nối". Hồi tháng 7, Đại sứ quán đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch của các hội, đoàn người Việt để cùng chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân và gia đình người nhiễm bệnh; trao đổi giải pháp ứng phó trước những diễn biến mới của đại dịch COVID-19; trao đổi về mô hình kinh doanh trực tuyến, thành lập Trung tâm hỗ trợ kinh doanh trực tuyến cộng đồng (cung cấp giải pháp phần mềm), để ổn định cuộc sống cho bà con người Việt tại Ukraine.
Cũng trong những ngày khó khăn ấy, trái tim những người Việt xa xứ vẫn luôn hướng về quê hương. Mới nhất, trong đợt vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ cuối tháng 10 vừa qua, chỉ trong 10 ngày, bà con người Việt ở Ukraine đã quyên góp hơn 17.000 USD gửi về Việt Nam.
Cộng đồng người Việt cũng đã tặng hàng nghìn khẩu trang y tế cho các bệnh viện và hàng chục nghìn khẩu trang vải người dân Ukraine.
Riêng cộng đồng người Việt tỉnh Odessa đã may hơn 12.000 khẩu trang vải chia sẻ với người dân nơi đây, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và các trang thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, đều đang khan hiếm.
Cứ như thế, tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam đã và đang được lan tỏa trên mảnh đất Đông Âu.
Còn đối với những người Việt xa xứ tại Ukraine hiện nay, có lẽ chính nghĩa tình cộng đồng đã trở thành cội nguồn sức mạnh để bà con cùng nhau vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này./.