Nghĩa "đồng bào" thắp sáng tinh thần dân tộc Việt Nam trên đất Nhật Bản

Thực tập sinh Tôn Thị Quyên bày tỏ: “Trong những khó khăn càng thấy rõ được tinh thần tương thân, tương ái, sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của người Việt chúng ta.”

Đoàn công tác thăm hỏi tình hình của các thực tập sinh Việt Nam tại tỉnh Ishikawa. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)
Đoàn công tác thăm hỏi tình hình của các thực tập sinh Việt Nam tại tỉnh Ishikawa. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, đã gần một tháng trôi qua kể từ khi thảm họa động đất xảy ra ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn song sự đoàn kết, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, người dân… trong hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả động đất đã giúp ổn định cơ bản cuộc sống của người dân nơi đây.

“Không bao giờ quên sự hỗ trợ của Đại sứ quán và cộng đồng”

Xúc động trước sự hỗ trợ này, nhiều thực tập sinh Việt Nam tại Ishikawa đã viết thư gửi lời cảm ơn chân thành dành cho Đại sứ quán Việt Nam, các hội đoàn, tình nguyện viên người Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các nghiệp đoàn, doanh nghiệp, người dân Nhật Bản đã giúp họ vượt qua được thời điểm gian nan nhất.

Bức thư của thực tập sinh Nguyễn Ngọc Phượng đã mô tả chi tiết cảm giác hoảng sợ khi lần đầu tiên trải qua động đất và chứng kiến những hậu quả của thảm họa này: “Mọi thứ đều đổ hết, ai cũng hoảng sợ. Con nghĩ con sẽ chết ở đó vì nó quá khủng khiếp và ám ảnh.

Mọi người đang rất sợ, nhìn thương lắm”, thế nhưng “mọi người ở đây đều giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn.”

Phượng viết: “Lúc khó khăn, rất may cho chúng con vì đã có anh chị, cộng đồng người Việt Nam không quản ngại đường xa và nguy hiểm đã đến, mang nước và mì tôm cho chúng con ăn. Chúng con cảm động lắm, vì nơi đất khách quê người, không có bố mẹ, người thân ở cạnh nhưng luôn được Đại sứ quán, các hội đoàn chùa Đại Ân, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản luôn ở sau và hỗ trợ chúng con lúc khó khăn.”

Thực tập sinh Nguyễn Thị Quỳnh Trang cho biết: “Cuộc sống sinh hoạt trở nên khó khăn khi thiếu nước và đồ ăn khiến chúng em rất lo lắng. Tuy nhiên, với sự chung tay giúp đỡ kịp thời của cộng đồng người Việt tại Nhật và Đại sứ quán Việt Nam, chúng em đã có đầy đủ đồ ăn và nước uống. Các anh chị luôn động viên, trấn an tinh thần và cung cấp đầy đủ đồ ăn thức uống giúp em vượt qua khó khăn. Bất cứ lúc nào chúng em cần, các anh chị luôn sẵn sàng giúp đỡ.”

Cuối thư, Quỳnh Trang viết: “Ở nơi đất khách quê người, chúng em vẫn cảm nhận được tình yêu thương đồng bào thật to lớn và thiêng liêng. Em xin ghi nhớ và cảm ơn sâu sắc tới các anh chị tình nguyện viên, cộng đồng người Việt tại Nhật và Đại sứ quán Việt Nam.”

Chỉ mới sang Nhật Bản làm việc được 2 tháng nên cảm giác đầu tiên khi chứng kiến động đất mà thực tập sinh Phạm Thị Gấm trải qua là “sợ hãi bao trùm.”

Gấm viết: “Nhưng trong lúc hoạn nạn khó khăn này, không biết nương tựa vào ai thì thật vui thay khi được Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam và Đại Ân, hội đoàn giúp đỡ thức ăn, nước uống… Thật sự, khi làm việc và sinh sống ở nơi đất khách quê người thì hai tiếng “đồng bào” thật thiêng liêng và cao cả. Mỗi lần khi được mọi người giúp đỡ tôi đã thật sự, thật sự xúc động.”

Thực tập sinh Trần Thị Thu Hương cho biết: “Đối với những người mới qua Nhật chưa có các kỹ năng đối phó với các thiên tai mà phải đối mặt với trận động đất như thế thì đó là một sự hỗ trợ không hề nhỏ.”

Thực tập sinh Tôn Thị Quyên bày tỏ: “Trong những khó khăn càng thấy rõ được tinh thần tương thân, tương ái, sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của người Việt chúng ta.”

Cùng với lời cảm ơn gửi đến Đại sứ quán, Thực tập sinh Trần Thị Mỹ Ngọc tại Bán đảo Noto cũng cảm ơn nghiệp đoàn đã hỗ trợ cung cấp thức ăn và nơi ở trong thời gian lánh nạn.

Mỹ Ngọc viết: “Thật sự tụi em rất cảm ơn nghiệp đoàn dã không ngại đường khó, nguy hiểm để giúp đỡ cho tụi em trong lúc khó khăn này” và “mong muốn nghiệp đoàn, Đại sứ quán sẽ tiếp tục dành sự quan tâm cho chúng em.”

Thực tập sinh Trương Thị Dung tại Suzu, Ishikawa cũng bày tỏ lời cảm ơn nghiệp đoàn đã không quản nguy hiểm vào Suzu để đón thực tập sinh về Hakui lánh nạn và nhấn mạnh: “Nghiệp đoàn đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong khoảng thời gian khó khăn.”

Trương Thị Dung bày tỏ “sự cảm ơn chân thành nhất đến Đại sứ quán” cùng các hội đoàn người Việt và cho rằng “sự quan tâm tận tình này” đã làm cho những “người mới sang Nhật như chúng em rất biết ơn và hạnh phúc.”

Lao động Việt Nam đang ổn định cuộc sống

Bức thư của thực tập sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Hiện tại chúng em đã phần nào vượt qua được giai đoạn khó khăn, đã được nghiệp đoàn và công ty đón về nghiệp đoàn ở.”

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết toàn bộ thực tập sinh Việt Nam tại Ishikawa đều được nghiệp đoàn và công ty bố trí nơi ở ổn định. Hầu hết đều đã được thu xếp trở lại làm việc hoặc chuyển sang công việc mới.

Chỉ còn một số lượng nhỏ các thực tập sinh Việt Nam chưa đi làm vì có nguyện vọng trở lại làm việc ở công ty cũ nên vẫn đang chờ công ty hồi phục sau động đất hoặc các thực tập sinh làm việc trong các ngành nghề có ít công ty tuyển dụng như ngành vệ sinh tòa nhà nên nghiệp đoàn chưa sắp xếp được nơi làm mới đúng ngành nghề.

Đối với các ngành nghề có ít công ty tuyển dụng, nếu như nghiệp đoàn quản lý không tìm được nơi tuyển dụng mới cùng ngành nghề, nghiệp đoàn sẽ đề xuất Tổ chức thực tập kỹ năng (OTIT) hỗ trợ tìm việc. Tất cả các thực tập sinh đều được trợ cấp trong thời gian chờ việc.

Ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Ishikawa đánh giá lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng có vị trí quan trọng đối với hoạt động kinh tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, lao động Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt đối với đồng nghiệp và người dân địa phương.

Tại các doanh nghiệp may ở Ishikawa, lực lượng lao động địa phương chủ yếu là người lớn tuổi. Vì vậy, việc lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, đến làm việc đã đem lại không khí mới, sức trẻ cho nơi làm việc.

Ngoài ra, lao động Việt Nam với truyền thống kính già, yêu trẻ cũng đã tạo được tình cảm tốt, được đồng nghiệp và người dân địa phương yêu quý. Lao động Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp và nghiệp đoàn Nhật Bản khi xảy ra động đất.

Trong một bức thư do 6 thực tập sinh Việt Nam ký tên, cùng với lời cảm ơn Đại sứ quán và các hội đoàn người Việt, các bạn cho biết thêm: “Chúng tôi ở cùng chủ nhà và cũng được chủ nhà rất quan tâm luôn động viên và hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt. Chúng tôi thiết nghĩ ở nơi xứ người xa gia đình, xa người thân, khi gặp hoạn nạn khó khăn lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy, đó là một điều vô cùng may mắn.”

Với tình cảm dành cho doanh nghiệp mà mình gắn bó từ ngày đầu sang Nhật Bản, thực tập sinh Mỹ Linh đã bày tỏ mong muốn “công ty sớm khắc phục được hậu quả để mọi người có thể trở lại với công việc và cống hiến hết mình cho công ty.”

Thực tập sinh Mỹ Linh viết: “Chúng em sẽ không bao giờ quên tình cảm nồng hậu và sự ủng hộ của tất cả mọi người đã dành cho mình sau động đất.”

Thực tập sinh Trần Thị Thu Hương khẳng định: “Đây là sự hỗ trợ hết sức ý nghĩa không những về mặt tinh thần mà còn cả về vật chất đã giúp” lao động Việt Nam tại Ishikawa vượt qua thời điểm khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục