'Nghĩa địa hóa thạch' tiết lộ thảm kịch kinh hoàng 66 triệu năm trước

Khoảng 66 triệu năm trước, một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra tại vùng bãi bồi ở Bắc Dakota (Mỹ) - vùng đất ngày nay được biết đến với tên gọi Thành hệ Hell Creek.
Khoảng 66 triệu năm trước, một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra tại vùng bãi bồi ở Bắc Dakota (Mỹ). (Nguồn: dailymail.co.uk)

Khoảng 66 triệu năm trước, một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra tại vùng bãi bồi ở Bắc Dakota (Mỹ) - vùng đất ngày nay được biết đến với tên gọi Thành hệ Hell Creek.

Nó xảy đến không một lời báo trước: mặt đất rung chuyển dữ dội với những cơn sóng địa chấn bắt nguồn từ một vụ va chạm có cường độ tương đương một trận động đất cấp 10 hoặc 11, và trên bầu trời, những hạt thủy tinh giống như những quả tên lửa đạn đạo tí hon với vận tốc hơn 300km/h thi nhau rơi xuống.

Nhưng với những sinh vật sống tại Hell Creek ở kỷ Phấn Trắng, các đợt sóng địa chấn mới là yếu tố tàn phá nhất.

Sau 6 năm đào bới tại địa điểm này, một nhà cổ sinh vật học cuối cùng cũng đã xác nhận được điều mà anh từ lâu đã nghi ngờ - ở trung tâm của Bắc Dakota là một "cánh đồng chết chóc" thời tiền sử. Đây có thể là bằng chứng rõ rệt nhất tính đến nay về những sự kiện xảy ra trong thảm kịch tuyệt chủng hàng loạt nổi tiếng nhất Trái Đất, vốn đã khiến loài khủng long bị diệt vong.

[Phát hiện những mảnh hóa thạch của thằn lằn bay đầu tiên tại Cuba]

Hóa thạch của các loài cá, thực vật, động vật có vú, côn trùng, bò sát biển, và thậm chí là một phần của một con khủng long ba sừng (Triceratops) chồng chất lên nhau, vĩnh viễn lưu lại khoảnh khắc khi một bức tường nước cao hơn 9m đổ ập xuống và chôn vùi mọi sinh vật sống trên đường đi của nó.

Hóa thạch của các loài sinh vật. (Nguồn: dailymail.co.uk)

"Bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ mặt cắt ranh giới K-T nào khác một tập hợp gồm nhiều loài sinh vật đại diện cho các dạng sống thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều giai đoạn sống khác nhau, nhưng cùng nhau chết trong một ngày như ở đây," DePalma, người phụ trách lĩnh vực cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Palm Beach, Florida kiêm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Kansas chia sẻ.

Trong kỷ Phấn Trắng, Thành hệ Hell Creek là một vùng biển nội hải, nơi sinh sống của mọi sinh vật thời tiền sử, từ thương long tới những con cúc - một loài động vật chân đầu trông giống ốc.

Khi một thiên thạch lớn cỡ tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất ở cách đó hàng nghìn dặm, một cơn sóng thần đã được hình thành và tạm thời đảo ngược dòng chảy của một con sông gần đó, đồng thời ném hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con cá tầm và cá tầm thìa lên bờ.

Sau đó, những viên thủy tinh - thực tế là các mảnh thiên thạch bị nung nóng chảy sau cú va chạm - bắn ra khắp nơi, rơi như xuống như mưa từ bầu trời và trúng vào những con cá đang mắc kẹt trên bờ cát.

Những mảnh thủy tinh này đã được tìm thấy trong mang của các hóa thạch của cá tầm thìa, và có khả năng đã lọt vào đó khi chúng cố tìm đường về với nước. Các chuyên gia nói rằng những con cá này là "các nạn nhân đầu tiên của cú va chạm thiên thạch với Trái đát."

"Nơi đây giống như một bảo tàng về sự kết thúc của kỷ Phấn Trắng trong một lớp đất đá dày một mét rưỡi," Mark Richards, giáo sư khoa học trái đất và vũ trụ thuộc Đại học Washington nhận định.

Dẫn liệu hóa thạch cho thấy các viên thủy tinh tiếp tục trút xuống mặt đất khoảng 10-20 phút sau đợt sóng địa chấn đầu tiên, trước khi đợt sóng thứ hai ập tới và chôn vùi những con cá bị mắc cạn trong cát và sỏi.

Những viên đá thiên thạch giết chết các loài sinh vật. (Nguồn: dailymail.co.uk)

Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng đã có ít nhất hai đợt sóng lớn gọi là triều giả chỉ cách nhau khoảng 20 phút đã ập vào phá hủy vùng đất này, và để lại lớp trầm tích dày gần 2m phủ lên những sinh vật xấu số tại đây.

Lớp trầm tích tiếp tục được niêm phong bằng một lớp đất sét giàu iridium - một vật liệu hiếm có trên Trái Đất, nhưng rất thường gặp ở các tiểu hành tinh và sao chổi. 

"Những cơn sóng thần từ vụ va chạm Chicxulub chắc chắn đã được ghi nhận rõ ràng, nhưng không ai biết chúng đi được vào vùng biển nội hải bao xa," DePalma chia sẻ.

Phát hiện chấn động này đã trực tiếp mở ra hoạt động khám phá ranh giới K-T, hay còn gọi là ranh giới địa chất giữa sự kết thúc của kỷ Phấn Trắng và sự bắt đầu của kỷ Đệ Tam.

Những xác chết hóa thạch tại Hell Creek chỉ là một phần nhỏ của sự tàn phá trên diện rộng bắt nguồn từ vụ va chạm Chicxulub: khi thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái đất, nó đã xóa sổ 75% sự sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục