Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 15/7, với 32 phiếu thuận và 27 phiếu chống, Ủy ban các quyền công dân thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua kế hoạch thành lập hệ thống trao đổi và lưu giữ thông tin hành khách hàng không tại khu vực Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là hệ thống Dữ liệu hành khách đi máy bay (PNR).
Hệ thống này sẽ được sử dụng để phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Theo quy định áp dụng hệ thống nói trên, dữ liệu hành khách trên các chuyến bay đến và khởi hành từ EU sẽ được các cơ quan tình báo quốc gia thành viên lưu giữ trong 30 ngày. Thông tin sau đó sẽ được mã hóa nhưng vẫn được lưu giữ trong 5 năm.
Các hồ sơ về PNR có thể được sử dụng độc quyền cho việc điều tra và truy tố các hành động khủng bố, buôn người, tình dục trẻ em, buôn ma túy và vũ khí, rửa tiền, tội phạm mạng.
Các cuộc tranh luận về chủ đề này đã làm nóng EP vì các nghị sỹ lo ngại vấn đề tôn trọng tự do cá nhân. Để tôn trọng sự riêng tư, EP đã đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế sử dụng và cung cấp dữ liệu của hành khách.
Tuy nhiên, để triển khai hệ thống này, EP, Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên phải tiến hành thảo luận để đưa ra hình thức thực hiện dự án.
Dự án gây tranh cãi trên từng được đưa ra 5 năm trước song không được thông qua do lo ngại rò rỉ thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, dự án đã được khởi động lại trong bối cảnh tại châu Âu hồi đầu năm xảy ra các vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng, cũng như mối lo ngày càng tăng về việc có nhiều thanh niên châu Âu sang Syria tham chiến cho tổ chứcNhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Dự kiến, hệ thống này sẽ giúp các quốc gia thành viên hợp tác tốt hơn trong việc trao đổi với Cảnh sát châu Âu (Europol) về những thông tin cá nhân của hành khách hàng không nhằm phòng chống khủng bố và tội phạm nguy hiểm.
Năm 2007, một dự thảo kế hoạch của EU cho phép các nước thu thập PNR do các hãng hàng không tự động chuyển đến để mỗi nước thẩm định nhằm phát hiện nghi can khủng bố hoặc tội phạm nguy hiểm như buôn ma túy, buôn người.
Dự thảo sau đó được soạn lại vào năm 2011, song đến tháng 4/2013 vẫn không được thông qua do các ý kiến bác bỏ cho rằng không có bằng chứng PNR sẽ có hiệu quả và nhất là các quyền cơ bản của công dân sẽ không được bảo vệ đầy đủ./.