Nghị viện châu Âu ủng hộ quan điểm đàm phán chặt chẽ với Anh

Đại diện EU nhấn mạnh EU muốn đảm bảo một "sân chơi công bằng" với Anh, giữ nguyên các nguyên tắc của EU trong các vấn đề lao động, môi trường, thuế và hỗ trợ nhà nước.
Nghị viện châu Âu ủng hộ quan điểm đàm phán chặt chẽ với Anh ảnh 1Xe tải tới cảng Dover thuộc Anh để rời khỏi eo biển Dover ngày 1/2/2020, một ngày sau khi London chính thức rời khỏi EU. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) nhất trí rằng Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì quan điểm đàm phán chặt chẽ với Anh, đặc biệt nhấn mạnh đảm bảo các tàu thuyền đánh cá của EU vẫn có quyền tiếp cận các vùng biển của Anh và duy trì vai trò cho Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ).

Với 579 phiếu thuận và 24 phiếu chống, EP đã thông qua những nội dung cơ bản của văn bản ủy nhiệm đàm phán. Chi tiết của văn bản này sẽ được Ủy ban châu Âu (EC) hoàn tất trước khi các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh bắt đầu vào tháng Ba. Các cuộc đàm phán sẽ định hình quan hệ tương lai giữa EU và Anh thời kỳ hậu Brexit, chỉ việc Anh rời EU.

Hiện nay, sau khi Brexit chính thức diễn ra hôm 31/1, Anh và EU vẫn giữ nguyên các hoạt động trao đổi thương mại như khi Anh còn là thành viên của khối cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. Trong thời gian này, hai bên tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.

Văn bản ủy nhiệm của EP nêu rõ sau khi Anh ra đi sẽ không thể duy trì các quyền và lợi ích như khi còn là thành viên và nêu kèm nhiều điều kiện. Đại diện đàm phán được EC lựa chọn, ông Michel Barnier, đã đóng góp rất nhiều trong số những điều kiện này.

Ông Barnier nhấn mạnh EU muốn đảm bảo một "sân chơi công bằng" với Anh, giữ nguyên các nguyên tắc của EU trong các vấn đề lao động, môi trường, thuế và hỗ trợ nhà nước cũng như một thỏa thuận cho phép các tàu thuyền đánh cá EU tiếp cận các vùng biển của Anh.

[EU kêu gọi Anh đáp ứng lời hứa về thương mại công bằng]

Cũng theo nhà đàm phán này, từ năm 2021, trung tâm tài chính London cũng sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung, chỉ trừ những lĩnh vực mà EU cho phép tiếp cận theo nguyên tắc "tương ứng" phụ trợ. Tuy nhiên, EU cũng có thể đơn phương rút những giấy phép này mà chỉ phải thông báo trước trong thời gian ngắn.

EU cũng mong muốn ECJ là tòa án có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan tới luật châu Âu trong hiệp định thương mại với Anh trong tương lai. Văn bản được EP thông qua nêu rõ tất cả những vấn đề này, nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn mọi hành vi phá giá trong khuôn khổ quan hệ Anh-EU trong tương lai.

Cuộc đàm phán quan hệ tương lai song phương được cho là sẽ gặp không ít trở ngại khi hai bên xung đột trong hầu hết các vấn đề được nêu kể trên. Anh từng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận xung đột thương mại với EU nếu như đó là cái giá để được "tự chủ."

Anh không chấp nhận ECJ đóng bất kỳ vai trò nào trong mối quan hệ tương lai giữa hai bên và muốn toàn quyền kiểm soát các vùng biển của quốc gia, với quyền hạn đánh giá tình hình tiếp cận của các tàu thuyền EU mỗi năm. London cũng khẳng định các công ty tài chính của họ nên được duy trì quyền tiếp cận trên diện rộng và trong dài hạn với thị trường EU.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từng cam kết sẽ duy trì mọi tiêu chuẩn ở cấp độ EU nhưng cũng cho rằng không cần thiết phải nêu rõ những điều này trong một hiệp định có tính ràng buộc pháp lý.

Chính phủ Anh trong tuần đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho kịch bản quốc gia này không còn được tiếp cận thị trường chung mà không chịu các biện pháp thuế quan hay kiểm tra hải quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục