Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua văn bản sửa đổi dự luật quản lý các sản phẩm tài chính được gắn mác "xanh" và "bền vững" sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ dự luật gốc.
Các quy định nêu trong dự luật này được đánh giá là có tiềm năng giúp EU dẫn đầu thị trường trái phiếu "xanh" có tổng giá trị ước tính 200 tỷ USD.
Dự luật này là bước đi đầu tiên hướng tới việc thiết lập một hệ thống khung cho quy trình gắn mác "đầu tư bền vững" cho các sản phẩm tài chính châu Âu.
Trong năm 2021, một nhóm các chuyên gia sẽ nghiên cứu và phát triển một hệ thống đầy đủ các phân loại mác trong lĩnh vực này. Dự luật sửa đổi cũng đã được các tổ chức môi trường và các nhà phân tích ủng hộ.
Trong thông báo mới đưa ra hôm 16/12, nghị sỹ Bas Eickhout, trưởng đoàn đàm phán dự luật của EP, khẳng định văn bản sửa đổi sẽ khuyến khích các thị trường dồn trọng tâm cho các khoản đầu tư bền vững.
Tuy nhiên, một quan chức EP lại miêu tả những thay đổi trong văn bản mới chỉ là "lớp hóa trang" để dự luật dễ được chấp thuận hơn.
[Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bác bỏ luật tài chính xanh]
Hồi tuần trước, các quốc gia thành viên EU đã bác bỏ dự luật gốc dù dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của EP và Phần Lan, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU tới cuối năm 2019.
Các quốc gia như Anh, Pháp, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Romania, Bulgaria và Slovenia phản đối vì lo ngại dự luật gốc sẽ khiến các khoản đầu tư cho lĩnh vực năng lượng hạt nhân và các dự án than đá "sạch" không thể được gắn mác "xanh.
"Hiện Pháp phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn dựa vào than đá.
Trong văn bản sửa đổi, năng lượng hạt nhân vẫn được chấp nhận gắn mác "xanh". Tuy nhiên, các nghị sỹ cho biết khả năng điều này xảy ra là rất thấp vì các khoản đầu tư sẽ chỉ được gắn mác "xanh" khi đáp ứng được quy trình đánh giá "không gây hại."
Chi tiết quy trình đánh giá này không được tiết lộ.
Dự kiến, các đại diện của các quốc gia thành viên sẽ thông qua dự luật này vào ngày 18/12 trước khi chuyển cho Ủy ban châu ÂU (EC), cơ quan điều hành của EU, để ký ban hành thành luật./.