Nghị viện châu Âu hối thúc Anh bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU

Nghị quyết nêu rõ "ý nguyện rời khỏi EU của người dân Anh cần được tôn trọng đầy đủ, theo đó Anh phải kích hoạt ngay lập tức Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình ra khỏi EU."
Nghị viện châu Âu quyết định họp phiên toàn thể đặc biệt. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Với 395 phiếu thuận, 200 phiếu chống và 71 phiếu trắng, trong phiên họp khẩn cấp ngày 27/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Anh ngay lập tức "kích hoạt" tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sau khi đa số cử tri Anh đã lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 23/6 vừa qua.

Nghị quyết nêu rõ "ý nguyện rời khỏi EU của người dân Anh cần được tôn trọng đầy đủ, theo đó Anh phải kích hoạt ngay lập tức Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình ra khỏi EU."

Các cuộc thương lượng chính thức sẽ không bắt đầu cho tới khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - đánh dấu tiến trình kéo dài hai năm tiến hành các thủ tục rút khỏi "mái nhà chung châu Âu."

EP thông qua nghị quyết trên sau khi ngoại trưởng sáu nước thành viên sáng lập EU, gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg ngày 25/6 nhóm họp tại Berlin và ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán việc Anh rời khỏi khối này.

Đại diện nhóm sáu nước đã kêu gọi chính phủ Anh cần nhanh chóng làm rõ và thực hiện ý nguyện của cử tri Anh “trong thời gian sớm nhất.”

Việc nhanh chóng tiến hành đàm phán về quá trình Brexit là để EU không rơi vào tình trạng “lấp lửng” và để châu lục này có thể tập trung cho tương lai của mình.

Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 vừa qua quyết định quy chế thành viên của Anh trong EU kết thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit - 51,9%, trong khi phe mong muốn ở lại là 48,1%.

Việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài hai năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này.

Sau đó, các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi liên minh.

Tiến trình đàm phán cũng có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại đồng thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục