Nghị viện Bồ Đào Nha kêu gọi công nhận nhà nước Palestine

Nghị viện Bồ Đào Nha đã thông qua một kiến nghị kêu gọi chính phủ nước này công nhận Nhà nước Palestine, sau một loạt động thái tương tự diễn ra ở khắp châu Âu.
Nghị viện Bồ Đào Nha kêu gọi công nhận nhà nước Palestine ảnh 1Tòa nhà Quốc hội Bồ Đào Nha. (Nguồn: timesofisrael.com)

Ngày 12/12, Nghị viện Bồ Đào Nha đã thông qua một kiến nghị kêu gọi chính phủ nước này công nhận Nhà nước Palestine, sau một loạt động thái tương tự diễn ra ở khắp châu Âu.

Kiến nghị trên do đảng trung hữu cầm quyền và đảng Xã hội đối lập cùng đưa ra, theo đó đề nghị Chính phủ Bồ Đào Nha "cùng với Liên minh châu Âu (EU) công nhận Nhà nước Palestine độc lập và chủ quyền."

Các nghị sỹ cũng bày tỏ tin tưởng rằng chỉ các cuộc đàm phán có thể đảm bảo an ninh và hòa bình trong khu vực.

Sau cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Rui Machete cho biết chính phủ "sẽ chọn thời điểm thích hợp nhất" để công nhận Nhà nước Palestine.

Mặc dù vậy, ông Machete khẳng định rằng Chính phủ Bồ Đào Nha đồng tình với cơ quan lập pháp về việc kêu gọi "người Israel và người Palestine chung sống với nhau trên một nền tảng lâu dài một cách hòa bình."

Mới gần đây thôi, việc công nhận Nhà nước Palestine được coi là mục đích của các cuộc hòa đàm Trung Đông, nhưng giờ đây việc này được coi là một trong các phương tiện để gây sức ép, buộc Israel tái khởi động tiến trình hòa bình.

Các sáng kiến như trên là một phần trong xu hướng hiện nay ở châu Âu.

Thượng viện Pháp ngày 11/12 đã bỏ phiếu kêu gọi chính phủ ở Paris công nhận Nhà nước Palestine.

Trước đó một ngày, Nghị viện Ireland cũng tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự.

Các nghị sỹ Anh và Tây Ban Nha cũng đã thông qua các kiến nghị của mình và Thụy Điển thậm chí đi xa hơn, đã chính thức công nhận Palestine là một nhà nước - động thái khiến Israel tức giận và triệu hồi đại sứ của mình tại Stockholm.

Người Palestine đang nỗ lực để được công nhận nhà nước độc lập tại Gaza và khu Bờ Tây hiện đang bị Israel chiếm đóng, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Trong bối cảnh quá trình tìm kiếm một thỏa thuận với Israel không tiến triển, Palestine đã chọn cách vận động các cường quốc để có được sự công nhận quốc tế rộng rãi.

Chính quyền Palestine ước tính đến nay, 135 quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine.

Bên cạnh nỗ lực trên, Palestine cũng đang tìm kiếm một nghị quyết của Liên hợp quốc vào cuối năm nay nhằm đặt ra một lịch trình dài hai hoặc ba năm để Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tìm cách tránh sự đối đầu tại Liên hợp quốc về việc này. Ông cho biết có thể sẽ công du châu Âu nhằm tìm một tiếng nói chung, song không cung cấp chi tiết lộ trình.

Trong ngày 12/12, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thảo luận "các diễn biến mới" tại Israel, Bờ Tây, Jerusalem và trong khu vực, cùng với các sáng kiến tại Liên hợp quốc.

Nga và Mỹ là hai trong số các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có lá phiếu phủ quyết.

Bên lề Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Lima (Peru), Ngoại trưởng Mỹ cũng đã gặp người đồng cấp Pháp Laurent Fabius về căng thẳng tại Trung Đông.

Pháp được cho là một trong số những nước đang tìm kiếm một nghị quyết Liên hợp quốc về vấn đề Palestine.

Dự kiến quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Rome (Italy) ngày 15/12 tới nhằm tìm cách hóa giải căng thẳng và giảm nguy cơ xung đột.

Các nỗ lực của Palestine đưa ra trong bối cảnh nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình chín tháng qua do Ngoại trưởng Kerry làm trung gian đã không đạt kết quả khả quan.

Mỹ phản đối việc Palestine nỗ lực để quốc tế công nhận nhà nước độc lập, coi đây là một động thái "đơn phương," đồng thời cho rằng việc này chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết quan điểm của Washington không thay đổi. Bà nhấn mạnh hiện chưa có dự thảo nghị quyết nào về đề xuất trên của Palestine.

Tuy nhiên, bà thừa nhận là có một số nước muốn Liên hợp quốc hành động và đang nỗ lực vì điều này. Bà cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục