Nghi vấn xung quanh các công trình nghiên cứu tâm lý học

Việc tiến hành lại các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tâm lý học hiếm khi cho kết quả tương tự như các nghiên cứu ban đầu.

Việc tiến hành lại các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tâm lý học hiếm khi cho kết quả tương tự như các nghiên cứu ban đầu.

Đây là kết luận được đưa ra trong "Dự án sao chép: Tâm lý học" đăng trên tạp chí Science (Khoa học) số ra ngày 27/8.

Một nhóm 270 nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực đã tiến hành lại 100 công trình nghiên cứu tâm lý học và khoa học xã hội được đăng trên 3 tạp chí khoa học hàng đầu của Mỹ hồi năm 2008.

Họ đã tham vấn về cách thức và hướng phân tích với tác giả của các nghiên cứu nhằm đảm bảo phiên bản của họ cho ra kết quả tương tự như bản gốc.

Sau khi hoàn tất, các nhà nghiên cứu tập hợp các dữ liệu và đánh giá việc phân tích một cách độc lập. Kết quả cho thấy chỉ có 39% trong số 100 nghiên cứu lại cho kết quả tương tự như các báo cáo ban đầu.

Biên tập viên cao cấp của tạp chí Science, Gilber Chin cho biết việc thực hiện lại các công trình nghiên cứu và các thử nghiệm cho ra những kết luận tương tự phiên bản gốc có ý nghĩa quan trọng bởi điều này sẽ làm tăng độ tin cậy cho các báo cáo khoa học.

Mặc dù kết quả của dự án trên là "khá thất vọng," song ông Chin cho rằng điều này không phản ánh trực tiếp về "độ tin cậy" của các nghiên cứu trước đây.

Theo ông Chin, ngay cả những thí nghiệm "không thể mô phỏng được" cũng giúp con người tăng thêm hiểu biết về khoa học thông qua việc loại trừ một cách giải thích khác.

Thay vào đó, nghiên cứu trên cho thấy các nhà khoa học không nên quá tin tưởng vào các kết quả nghiên cứu ban đầu.

Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khoa học tâm lý Alan Kraut và cũng đồng tác giả dự án trên, nhấn mạnh việc thất bại khi tiến hành lại các công trình nghiên cứu là điều "không thể tránh khỏi" bởi các kết quả thường phụ thuộc vào những người tham gia nghiên cứu, thời gian, địa điểm, kỹ năng của đội ngũ nghiên cứu và nhiều yếu tố khác.

Trong khi đó, giáo sư tâm lý học Brian Nosek thuộc Đại học Virginia của Mỹ, cho rằng các nhà khoa học thường chịu áp lực lớn khi phải thường xuyên công bố các nghiên cứu trên những tạp chí danh tiếng.

Tuy nhiên, các tạp chí thường có sự thiên lệch khi đề cao việc đăng tải các kết quả tích cực và thờ ơ vơi các nghiên cứu mang thông tin tiêu cực.

Trước thực tế trên, tổng biên tập Science Marcia McNutt cho biết các tạp chí khoa học gần đây đã công bố những hướng dẫn nhằm khuyến khích sự minh bạch và cởi mở trong quá trình lựa chọn và đánh giá các công trình nghiên cứu.

Bà McNutt cũng cho rằng các tác giả và biên tập viên tạp chí cần thận trọng khi công bố những nghiên cứu cho kết quả không mấy nổi bật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục