Nghị sỹ Quốc hội Mỹ đề xuất cấm du khách Tây Phi nhập cảnh

Các nghị sỹ Quốc hội Mỹ hối thúc Nhà Trắng ban hành lệnh cấm du khách từ các nước phía Tây châu Phi nhập cảnh vào Mỹ.
Nghị sỹ Quốc hội Mỹ đề xuất cấm du khách Tây Phi nhập cảnh ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp khẩn với các quan chức cấp cao của nước này về tình hình dịch Ebola tại Washington, DC ngày 15/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/10, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ một mặt chỉ trích phản ứng chậm trễ của chính quyền Tổng thống Barack Obama, mặt khác hối thúc Nhà Trắng ban hành lệnh cấm du khách từ các nước phía Tây châu Phi nhập cảnh vào Mỹ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát trận dịch chết người Ebola trên lãnh thổ nước Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu trong phiên điều trần ngày 16/10 của Giám đốc các Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC), bác sỹ Thomas Frieden, một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ, trong đó có cả Hạ nghị sỹ Dân chủ Bruce Bradley, cáo buộc chính quyền đã phản ứng không đủ nhanh trong vụ nhiễm virus Ebola đầu tiên phát hiện tại bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở thành phố Dallas, bang Texas.

Các nghị sỹ cũng đặt nhiều câu hỏi chất vấn xung quanh những thông tin nói rằng hai nhân viên y tá của bệnh viện này dương tính với virus Ebola là do “có sai phạm” trong quy trình chữa trị.

Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa kiến nghị Nhà Trắng cấm các chuyến bay tới Mỹ từ các nước Tây Phi, nhất là từ ba quốc gia bị Ebola hoành hành mạnh nhất là Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Một số nghị sỹ một lần nữa lên tiếng đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành lệnh cấm nhập cảnh hoặc hạn chế cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân ba quốc gia Tây Phi trên đây.

Phát biểu trong cuộc điều trần tại Ủy ban Giám sát và điều tra của Hạ viện, Giám đốc CDC Frieden thừa nhận cho tới nay giới chức CDC vẫn chưa biết chính xác cách thức và con đường virus Ebola lây nhiễm từ bệnh nhân đã tử vong Thomas Eric Duncan sang hai nhân viên y tế của bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital là cô Nina Phạm, 26 tuổi, và cô Amber Vinson, 29 tuổi.

Bác sỹ Frieden cho rằng việc chưa xác định rõ con đường lây nhiễm của Ebola càng cho thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường các thủ tục và quy trình chữa trị để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân Ebola.

Phát biểu qua cầu truyền hình, bác sỹ Daniel Varga, quan chức của bang Texas chịu trách nhiệm giám sát bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital, thừa nhận có một số sai sót trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Duncan.

Bác sỹ Varga cho biết giới hữu trách đang khẩn trương xem xét lại hồ sơ và điều tra các sai sót này.

Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên, Giám đốc Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng liên bang Mỹ (FAA) Michael Huerta cho biết Mỹ đang cân nhắc việc ban hành một lệnh cấm du lịch trên cơ sở “từng ngày” đối với các du khách từ các nước Tây Phi. Tuy nhiên, các quan chức CDC cho rằng một lệnh cấm như vậy cũng sẽ không giải quyết được các thách thức do Ebola gây ra.

Nhằm trấn an người dân và đối phó với nguy cơ thực sự từ virus Ebola, Tổng thống Barack Obama ngày 15/10 đã hủy các chuyến vận động tranh cử cho đảng Dân chủ, triệu tập cuộc họp khẩn cấp nội nhằm đối phó với Ebola.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thống Obama nói rằng một nhóm quan chức y tế của chính phủ liên bang phải được phái ngay tới bất kỳ bệnh viện nào có ca bệnh Ebola được chẩn đoán để bảo đảm là mọi biện pháp phòng ngừa được thực hiện.

Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ bảo đảm là những sai sót như ở bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital sẽ không lặp lại và chúng tôi sẽ theo dõi và giám sát với một cách thức tích cực hơn về những gì đã xảy ra ở Dallas vào lúc đầu và bảo đảm là những bài học học được sẽ được chuyển tới tất cả các bệnh viện và các trung tâm y tế khắp cả nước."

Ông khẳng định nguy cơ bùng phát dịch Ebola ở Mỹ ở mức độ rất thấp nếu tất cả những biện pháp bảo vệ thỏa đáng được áp dụng.

Hiện một số trường học ở bang Texas và Ohio đã đóng cửa vì lo ngại các nhân viên y tế dương tính với Ebola có thể đã có tiếp xúc nào đó với những người trong trường.

Cùng ngày, kết quả thăm dò chung của Reuters/Ipsos cho biết trong tổng số 1.577 người Mỹ từ 18 tuổi trở lên được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại có gần 80% nói rằng họ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch Ebola trên lãnh thổ nước Mỹ, trong đó có 41% nói rằng họ “rất lo ngại” và 36% nói rằng “tương đối lo ngại.”

Chỉ có 19% những người được hỏi ý kiến nói rằng họ không quan ngại nguy cơ bùng phát trên lãnh thổ Mỹ của Ebola - thứ virus đã làm thiệt mạng 4.493 người ở các nước Tây Phi, trở thành trận dịch làm nhiều người chết nhất kể từ khi virus chết người này được nhận dạng năm 1976./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục