Nghị sỹ Mỹ đề xuất biện pháp mạnh thúc đẩy TTIP và TPP

Một nhóm các nghị sỹ Mỹ đề xuất một dự luật mới theo đó trao quyền xúc tiến thương mại cho các nhà thương thuyết Mỹ.
Nghị sỹ Mỹ đề xuất biện pháp mạnh thúc đẩy TTIP và TPP ảnh 1Các nhân viên Tập đoàn FedEx bận rộn gói hàng và chuyển hàng theo đơn đặt hàng của khách trong ngày mua sắm trực tuyến ''Cyber Monday'' tại Miami, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 9/1, một nhóm các nghị sỹ Mỹ đã đề xuất một dự luật mới theo đó trao quyền xúc tiến thương mại cho các nhà thương thuyết của Mỹ.

Văn kiện này do ba nghị sỹ chủ chốt phụ trách chính sách thương mại Mỹ bảo trợ. Dự luật đề xuất trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama "quyền ưu tiên" được xúc tiến thương mại một cách nhanh chóng, cho phép Nhà Trắng đạt được một thỏa thuận với Quốc hội, sau đó tiến hành bỏ phiếu mà không có cơ hội để thay đổi.

Theo các nghị sỹ này, việc gia hạn quyền xúc tiến thương mại nhanh thêm 4 năm là "không thể thiếu được" trong nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán thương mại. Thẩm quyền này đã hết hiệu lực vào năm 2007.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Max Baucus, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho biết pháp chế trao quyền xúc tiến thương mại là "rất quan trọng" đối với một chương trình nghị sự thương mại tham vọng, nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, hoạt động xuất khẩu cũng như tạo việc làm tại Mỹ.

Dự luật này đề ra những mục tiêu của Mỹ trong các thỏa thuận thương mại, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ và chống lại nạn thao túng tiền tệ.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Orrin Hatch, nhận định dự luật mới này sẽ là công cụ đảm bảo rằng các cuộc đàm phán thương mại hiện nay của Mỹ với các đối tác tại châu Á và châu Âu sẽ thành công, và các thỏa thuận này sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn cao cần thiết để được Quốc hội thông qua.

Dự luật này, cũng được Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, nghị sỹ Cộng hòa Dave Camp đưa ra tại Hạ viện, đã kéo theo nhiều ý kiến trái chiều. Nhận xét về văn kiện này, nghị sỹ Dân chủ Sandy Levin thuộc ủy ban trên, cho rằng đề xuất trao thẩm quyền xúc tiến thương mại cho phía Mỹ nếu được thông qua sẽ không thể ngay lập tức giải quyết được những thay đổi của kinh tế toàn cầu.

Theo ông Levin, các nghị sỹ cần đảm bảo các đối tác thương mại của Mỹ không có được các lợi thế cạnh tranh thông qua thị trường lao động yếu và lợi dụng các kẽ hở của luật môi trường.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Obama lại hoan nghênh dự luật này và cam kết sẽ làm việc với các nghị sỹ Dân chủ đồng quan điểm.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhận định việc thông qua dự luật này có thể đảm bảo rằng người dân Mỹ được hưởng các lợi ích từ thỏa thuận thương mại mới.

Hiện có 12 nước tham gia tiến trình đàm phán TPP, gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Peru, Chile, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Nếu ra đời, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại tự do (FTA) châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, hiện nay Mỹ và EU đặt mục tiêu ký kết hiệp định vào cuối năm 2014 nhằm hình thành một khu vực thương mại tự do chiếm tới khoảng 40% sản lượng kinh tế và 50% thương mại toàn cầu. TTIP sẽ là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, mỗi năm có thể làm tăng thêm 0,5-1% GDP cho cả hai bên và góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới.

EU ước tính TTIP sẽ mang lại lợi nhuận hàng năm lên tới 119 tỷ euro cho liên minh gồm 28 quốc gia thành viên với 500 triệu dân này.

Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm châu Âu, một khi TTIP có hiệu lực với nhiều sắc thuế được loại bỏ, ước tính xuất khẩu của Mỹ sang EU sẽ tăng 17% và nhập khẩu từ EU tăng 18%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục