Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các vụ xả súng đẫm máu trong nước, ngày 8/11, gần một nửa số nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đề xuất một lệnh cấm vũ khí tấn công mới, bất chấp sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa chiếm đa số tại cơ quan lập pháp này.
Dự luật về lệnh cấm vũ khí tấn công mới nhất, do Thượng nghị sỹ Diane Feinstein bảo trợ, cấm việc buôn bán, sản xuất và chuyển giao 205 loại vũ khí tấn công kiểu quân sự, song vẫn cho phép các chủ sở hữu được giữ lại các loại vũ khí hiện có. Văn kiện này cũng đề xuất cấm buôn bán và sử dụng các thiết bị để lắp ráp các loại súng trường bán tự động có tốc độ bắn nhanh.
Phát biểu khi công bố dự luật, bà Feinstein nhấn mạnh cần nỗ lực thúc đẩy giải pháp này, mặc dù thừa nhận việc cắt giảm nguồn cung các vũ khí tấn công tại Mỹ sẽ là cả một quá trình lâu dài. Nữ chính khách này nêu rõ: "Đã đến lúc phải loại bỏ những vũ khí chiến tranh ra khỏi đường phố của chúng ta."
Trước đó, hồi năm 1994, Quốc hội Mỹ đã thông qua một lệnh cấm vũ khí tấn công song đạo luật này đã hết hiệu lực vào năm 2004. Dự luật mới trên được đảng Dân chủ đưa ra chỉ vài ngày sau vụ xả súng đẫm máu tại một nhà thờ ở bang Texas khiến 26 người thiệt mạng và 5 tuần sau vụ xả súng kinh hoàng tại một buổi liên hoan âm nhạc ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, cướp đi sinh mạng của 58 người và khiến hơn 500 người khác bị thương.
Sau vụ xả súng tại một trường tiểu học ở bang Connecticut khiến 26 người thiệt mạng hồi năm 2012, Thượng viện Mỹ đã cân nhắc một lệnh cấm vũ khí tấn công, song văn kiện này đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu, một phần do hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ của Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA).
Liên quan đến vụ xả súng tại Texas mới đây, cùng ngày 8/11, hai Hạ nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Poncho Nevarez và Nicole Collier của bang này đã kêu gọi ban bố tình trạng bạo lực súng đạn là một vấn đề y tế cộng đồng và sửa đổi các quy định về súng đạn hiện tại.
[FBI không nhận được báo cáo về hung thủ xả súng ở Texas]
Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Gina Hinojosa đã đề xuất một danh sách gồm các bước đi nhằm kiểm soát bạo lực súng đạn, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về việc sử dụng súng an toàn, cũng như yêu cầu người dân phải có giấy phép khi mang theo các loại súng trường.
Hôm 5/11 vừa qua, đối tượng Devin P.Kelley đã xông vào nhà thờ First Baptist ở khu vực Sutherland Springs, cách thành phố Houston khoảng 300km về phía Tây, và nã súng vào những người đang cầu nguyện bên trong. Vụ việc đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, trong đó có 8 trẻ em, và 20 người bị thương.
Điều tra ban đầu cho thấy nghi phạm là một cựu quân nhân từng phục vụ tại một căn cứ ở New Mexico vốn đã bị tòa án quân sự kết án tù vì tấn công vợ con. Việc Kelly đã có tiền án nhưng vẫn được phép mua súng đã làm dấy lên vấn đề kiểm soát súng đạn tại Mỹ.
Trong khi đó, hãng Reuters ngày 8/11 dẫn một nguồn thạo tin cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) có thể đã bỏ lỡ thời điểm then chốt để phá mã chiếc điện thoại iPhone của Kelly, khi cơ quan này và các cơ quan thực thi pháp luật khác đã không yêu cầu hãng Apple hỗ trợ mở khóa hay truy cập các tài khoản trực tuyến liên quan của đối tượng này trong vòng 48h sau khi xảy ra vụ tấn công.
Trước đó, ông Christopher Combs, người đứng đầu văn phòng FBI tại thành phố San Antonio, bang Texas cho biết chiếc điên thoại của hung thủ đã được chuyển đến phòng phân tích các bằng chứng tội phạm của FBI ở Quantico, bang Virginia do giới chức Texas không thể mở khóa, song không nêu rõ đây là loại điện thoại thuộc hãng nào.
Tuy nhiên, tờ Washington Post sau đó dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ đây là một chiếc iPhone.
Theo nguồn tin mới nhất của Reuters, việc giới chức địa phương và liên bang chậm trễ trong việc yêu cầu sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Apple là một thiếu sót quan trọng. Nếu Kelley đã sử dụng dấu vân tay để khóa chiếc iPhone, Apple đã có thể thông báo với các quan chức rằng họ có thể sử dụng ngón tay của hung thu đã chết để mở khóa thiết bị liên lạc này, miễn là chiếc điện thoại không bị tắt nguồn và khởi động lại.
Tuy nhiên, nếu sau 48 giờ mà người dùng không mở khóa, những chiếc điện thoại iPhone được cài đặt khóa vân tay sẽ yêu cầu phải đăng nhập mật mã của người dùng.
Ngoài ra, nguồn tin cũng cho rằng các nhà điều tra đã có thể yêu cầu các thông tin từ tài khoản lưu trữ trực tuyến iCloud của Kelley nếu có. Một khi nhận được lệnh của tòa án, Apple sẽ phải cung cấp cho giới chức dữ liệu iCloud, cũng như những "chìa khóa" cần thiết để giải mã chúng./.