Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với làn sóng tức giận từ các nghị sỹ Bảo thủ, những người đã từ chối ủng hộ quyết định của Thủ tướng về xin gia hạn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Khoảng 100 nghị sỹ Bảo thủ đã bỏ phiếu chống đối đề xuất xin lùi thời hạn Brexit, trong khi 80 nghị sỹ Bảo thủ khác đã bỏ phiếu trắng. Tình trạng trên cho thấy sự mất kiểm soát gia tăng trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Trong khi chỉ có 31% số phiếu ủng hộ đến từ 131 nghị sỹ đảng Bảo thủ, Thủ tướng May lại nhận được sự ủng hộ từ các nghị sỹ Công đảng và các đảng đối lập khác.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadsom, Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling, Tổng Chưởng lý Geoffrey Cox và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox đều không bỏ phiếu cho việc gia hạn điều khoản 50 đến ngày 30/6 theo đề xuất của Thủ tướng May.
Những nghị sỹ ủng hộ Brexit cho rằng kết quả bỏ phiếu tại Hạ Viện ngày 9/4 nói trên cho thấy bà May có thể sẽ không nhận được sự ủng hộ của đảng Bảo thủ về việc theo đuổi bất cứ thỏa thuận Brexit "mềm" nào, trong đó bao gồm một liên minh thuế quan.
Điều này sẽ khiến thỏa thuận Brexit "mềm" sẽ không thể có được đa số phiếu ủng hộ tại Hạ viện bởi hiện ít nhất có 100 nghị sỹ Công đảng và các đảng đối lập khác đang đòi trưng cầu ý dân đối với bất cứ thỏa thuận Brexit nào.
Mặc dù Thủ tướng May sẽ vẫn đưa ra đề nghị xin hoãn Brexit đến ngày 30/6 tại cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của EU vào tối 10/4, song tất cả các dấu hiệu hiện nay cho thấy các lãnh đạo EU sẽ ép bà phải chấp nhận việc gia hạn Brexit với một thời hạn dài hơn bà đề xuất, có thể lâu tới một năm.
Các nghị sỹ Bảo thủ sẽ vô cùng tức giận nếu như Anh tiếp tục trì hoãn Brexit và bà May sẽ khó khăn khi trình bày vấn đề này tại Hạ viện vào ngày 11/4.
[Liên minh châu Âu ra điều kiện để cho phép Anh hoãn Brexit]
Theo nguồn tin từ nội các, việc Chính phủ của bà May theo đuổi đàm phán thỏa hiệp với Công đảng càng khiến chính phủ mâu thuẫn với các thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội, dẫn đến tương lai của Thủ tướng May sẽ bấp bênh.
Trong khi đó một số nghị sỹ thuộc phái hoài nghi châu Âu đã lên tiếng cảnh báo các nhà lãnh đạo EU rằng nếu EU buộc Anh kéo dài thời hạn Brexit thì họ sẽ nhận được lại thái độ bất hợp tác từ phía Anh.
Trong khi đó, để giành được sự ủng hộ của EU trong việc gia hạn thời gian nhằm tìm kiếm một kế hoạch Brexit có thể nhận được đa số ủng hộ tại Anh, Thủ tướng May đã công du Đức và Pháp.
Tại Đức, Thủ tướng May và người đồng cấp Đức Angela Merkel đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo Brexit diễn ra có trật tự.
Trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Paris, một quan chức cấp cao giấu tên của Pháp cho biết Paris không loại trừ khả năng ủng hộ việc trì hoãn Brexit thêm nữa.
Theo quan chức này, Tổng thống Macron hy vọng Thủ tướng May đưa ra được "triển vọng đáng tin cậy" để tránh việc Brexit không thỏa thuận vào ngày 12/4, trong đó bao gồm kết quả đàm phán giữa Chính phủ Anh và Công đảng đối lập. Pháp mong muốn một "sự đảm bảo chắc chắn" rằng sự hiện diện của Anh trong EU sẽ không làm gián đoạn hoạt động của các thể chế trong khối.
Theo kế hoạch, các lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Brussels trong ngày 11/4 để quyết định xem có gia hạn Brexit hay không./.