Các nghị sĩ Anh đã bị chỉ trích vì chi tới 1,5 triệu bảng (2,4 triệu USD) cho các chuyến đi nước ngoài trong hai năm qua từ tiền ngân sách, tiền tài trợ của các công ty, chính quyền và tổ chức nước ngoài. Khoảng 242 nghị sĩ đã có các chuyến đi nước ngoài và mỗi chuyến tiêu tốn trung bình 6.500 bảng mỗi chuyến, báo Independent cho biết trên bài phóng sự trang bìa về “quy mô tổng thể của những cuộc công cán toàn cầu của các nghị sĩ”. Theo tờ nhật báo, 36 chuyến thăm là tới Trung Quốc và Hong Kong, 23 tới Ấn Độ và 34 tới Mỹ, chỉ có một nghị sĩ tới thăm Afghanistan và chỉ hai người thăm nước láng giềng Bỉ. Sau các chuyến đi, một số nghị sĩ đã phát biểu ở quốc hội ủng hộ lập trường của các quốc gia và chính phủ mà họ thăm, Independent cho biết. Cứ năm nghị sĩ ngồi hàng sau (nghị sĩ nhưng không nắm cương vị gì trong nội các) của Đảng Bảo thủ cầm quyền thì có một người đã tới Israel và Palestine kể từ năm 2010, hầu hết là từ tiền của các nhóm vận động hành lang Israel, theo tờ báo. Cựu bộ trưởng ngoại giao David Miliband xếp thứ hai trong danh sách chi tiền đi nước ngoài với 14 chuyến tiêu tốn 47.600 bảng. Người phát ngôn của ông Miliband nói những chuyến thăm đó là “được điều chỉnh đúng với các cam kết của quốc hội.”
Cựu ngoại trưởng Anh David Miliband trong một chuyến công cán tới Abu Dhabi (Nguồn: AFP)
Đứng đầu là nghị sĩ Công đảng Barry Gardiner, với các chuyến đi tiêu tốn 52.071 bảng kể từ cuộc tuyển cử tháng 5/2010, với tất cả 73 ngày không ở Anh. Ông đã tới Rio de Janeiro và Cape Town mỗi nơi hai lần, cũng như tới New York, Nhật Bản và Trung Quốc. Tamasin Cave thuộc nhóm minh bạch Spinwatch, bình luận với Independent: “Các nghị sĩ không cần kiến thức về các quốc gia, nhưng danh sách các nước cảm thấy có nhu cầu phải lôi kéo các chính trị gia, bao gồm nhiều người với danh tiếng đáng ngờ. Trò này không có gì mới. Các thế lực PR ở London đã nhiều năm trời tẩy rửa danh tiếng của các nước với hồ sơ nhân quyền tệ hại, nhưng các nghị sĩ lẽ ra không nên tham gia vào đây. Hãy hy vọng họ giành phần lớn thời gian trò chuyện với các nhóm thân dân chủ và đối lập ở các nước này.” Trong bài xã luận, Independent nói chỗ của nghị sĩ là ở quốc hội. “Trong khi hoàn toàn có khả năng quan điểm của các nghị sĩ không hề bị ảnh hưởng bởi sự nồng nhiệt tiếp đón mà họ nhận được, việc chấp nhận các chuyến đi do nước ngoài trả tiền không khỏi khiến sự liêm khiết của họ bị nghi ngờ. Quốc hội nên được bảo vệ khỏi một vết nhơ như thế”, tờ báo viết. “Khi xảy ra xung đột về lợi ích, sự nhận thức là tất cả. Ấn tượng rằng các nghị sĩ có thể nhận những món quà biếu không dưới dạng các chuyến đi, hay họ có thể bị mua bằng một cách nào đó, là hết sức nguy hiểm dù có đúng hay không”./.
Trần Trọng (Vietnam+)