Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 06/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (lần 2).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp các dự thảo nghị quyết sau đây: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tên gọi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp).

[UB Thường vụ Quốc hội: Đưa luật, pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2.

Cụ thể, đối với Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế: cơ quan trình là Chính phủ; cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách; cơ quan tham gia thẩm tra là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đối với Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan trình; Ủy ban Tư pháp là cơ quan chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục