Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới là khát vọng người Quảng Ninh

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa kết thúc thành công tốt đẹp.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa kết thúc thành công tốt đẹp.

Chia sẻ tại cuộc họp báo ngay sau Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng: Quảng Ninh bước vào giai đoạn mới với quyết tâm xây dựng tỉnh nhà kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của miền Bắc.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh đây là khát vọng đổi mới của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, hướng tới sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích cao, chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân.

Đổi mới tư duy phát triển và tầm nhìn

Để đạt mục tiêu trên, Quảng Ninh xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, tầm nhìn; đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa, đổi mới và phát triển.

Theo đó, tỉnh phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực.

Quảng Ninh lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện tốt ba khâu đột phá

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Trong 3 khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu quan trọng nhất.

[Xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm phát triển năng động ở phía Bắc]

Theo phân tích của Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 1,3 triệu dân, tới đây coi việc thu hút nguồn lao động có kỹ năng, nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo. Cùng với việc chủ động xây dựng Trường Đại học Hạ Long và các trường dạy nghề chất lượng cao thu hút nguồn nhân lực trẻ về đào tạo, tỉnh cũng sẽ bố trí công ăn, việc làm, tạo điều kiện thuận lợi nơi ăn chốn ở và coi đây là việc làm quan trọng để nâng cao quy mô cũng như chất lượng dân số. Đây được xem là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD, nên nếu không có chiến lược sớm sẽ khó khăn trong việc tiếp nhận dòng dân cư tăng cơ học từ nguồn lao động nhập cư.

Khâu đột phá thứ hai là đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, kết nối vùng và quốc gia, kết nối quốc tế.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, điều này sẽ được thể hiện rõ vào năm 2021 khi đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái hoàn thiện kết nối liên thông tuyến cao tốc từ Lào Cai đi Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Vân Đồn sẽ đưa Quảng Ninh phát triển.

Nhiệm kỳ tới, Quảng Ninh sẽ huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái vào năm 2021, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây, cầu Cửa Lục 1, 2, 3 và các dự án hạ tầng động lực của thành phố Hạ Long; phối hợp với thành phố Hải Phòng sớm đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân…

Khâu đột phá thứ ba là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Quảng Ninh là vùng đất có hơn 20 dân tộc chung sống, có nền văn hóa đặc sắc nên việc giữ và làm giàu bản sắc văn hóa, phát triển văn hóa dân tộc gắn với sự phát triển hài hòa về kinh tế sẽ góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu văn hóa Quảng Ninh, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Lễ ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đây vừa là động lực nhưng cũng là nguồn lực cho Quảng Ninh phát triển.

Cam kết đảm bảo chất lượng phục vụ người dân tốt nhất

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 hướng tới sự phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước, mang đến lợi ích cao nhất cho người dân.

Với con số hiện tại GRDP bình quân đầu người đạt 6.742 USD, cùng với sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, tỉnh Quảng Ninh đang nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu của cả nước về nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự thuận tiện và tiện ích nhất cho người dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định mục tiêu hàng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Để có quyết định này, theo Bí thư Tỉnh ủy, Quảng Ninh đã vượt qua chặng đường dài 3 năm liền có thương hiệu dẫn đầu về các chỉ số PCI, PAR index… Đây vừa trở thành động lực vừa là cam kết về chất lượng thực thi, văn hóa thực thi, chất lượng phục vụ người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chia sẻ: Giờ nói đến các chỉ số này không còn là câu chuyện phấn đấu chỉ tiêu trong năm, mà trở thành văn hóa của đội ngũ cán bộ công chức, của hệ thống chính trị trong việc phục vụ nhân dân.

Quảng Ninh luôn lấy sự hài lòng của nhân dân, lấy kết quả công việc làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục