Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết. 

NGHỊ QUYẾT

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;

Sau khi xem xét Tờ trình số 265/TTr-UBTVQH14 ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Báo cáo số 287/BC-UBTVQH14 ngày 6 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

1. Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 các dự án sau đây:

a) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp);

b) Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6);

c) Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp);

d) Luật Quản lý thuế (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6);

đ) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6);

e) Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

2. Điều chỉnh thời gian trình các dự án sau đây:

a) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6);

b) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8).

3. Đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 các dự án sau đây:

a) Luật Dân số;

b) Luật Quản lý phát triển đô thị;

c) Luật Công an xã.

[Kỳ họp thứ năm Quốc hội Khóa XIV bế mạc sau 21 ngày làm việc]

Điều 2. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Tại kỳ họp thứ 7

a) Trình Quốc hội thông qua:

1. Luật Hành chính công;

2. Luật Kiến trúc;

3. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia;

4. Luật Quản lý thuế (sửa đổi);

5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự;

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công;

7. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

b) Trình Quốc hội cho ý kiến:

1. Bộ luật Lao động (sửa đổi);

2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi);

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp;

5. Luật Chứng khoán (sửa đổi);

6. Luật Thư viện;

7. Luật Lực lượng dự bị động viên;

8. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi);

9. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

2. Tại kỳ họp thứ 8

a) Trình Quốc hội thông qua:

1. Bộ luật Lao động (sửa đổi);

2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi);

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp;

5. Luật Chứng khoán (sửa đổi);

6. Luật Lực lượng dự bị động viên;

7. Luật Thư viện;

8. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi);

9. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

b) Trình Quốc hội cho ý kiến:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường;

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

3. Luật Thanh niên (sửa đổi).

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng; bảo đảm tính pháp lý, chính xác, đầy đủ của các tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.

2. Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

3. Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, dự thảo; thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến; chấn chỉnh việc tham gia ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để bảo đảm chất lượng; trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo, nếu có ý kiến khác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định; bảo đảm ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được thông qua.

4. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra; phát huy trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, toàn thể Hội đồng Dân tộc, Ủy ban trong việc thẩm tra, tham gia thẩm tra và trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo; theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị các dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực phụ trách và giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản đó sau khi được thông qua.

5. Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; tăng cường tham gia thảo luận, tranh luận góp phần hoàn thiện các dự án, dự thảo.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương chuẩn bị các dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức theo Kế hoạch đã được đề ra để sớm xem xét, đưa vào Chương trình trong năm 2018, 2019, bảo đảm các dự án luật được thông qua chậm nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

7. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản quy phạm pháp luật khác có vướng mắc, bất cập để kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 8 tháng 6 năm 2018.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI (đã ký)

Nguyễn Thị Kim Ngân

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục