Theo đại diện các cơ quan chức năng, chế tài xử phạt hành vi vi phạm giao thông đã có trong Luật Giao thông và các Nghị định nhưng liệu đã đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, coi thường pháp luật?
Đặc biệt, lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng tỏ ra băn khoăn khi các quy định cũng làm khó trong quá trình thực hiện xử lý, xử phạt vi phạm.
Nghị định làm khó… lực lượng xử phạt
Tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vào ngày hôm nay (23/6), Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, các Nghị định xử phạt dù đã được ban hành trên thực tế, một số lỗi vi phạm vẫn còn phổ biến, thường xuyên xảy ra.
Cụ thể, theo con số phân tích, thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, hành vi chạy quá tốc độ chiếm 23,6% - đây là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông mặc dù chế tài xử phạt cao nhưng đối tượng vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ lớn hoặc chở quá số người quy định chiếm hơn 6%, chở hàng quá tải trên 8%, không đội mũ bảo hiểm 46,2%; vượt tín hiệu đường sắt 47,6%, dừng đỗ đường ngang 24,6%...
Trước thực trạng này, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh đã thẳng thắn đưa ra câu hỏi, các hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông nhưng chế tài xử phạt đã có nhưng liệu đã đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, ngang nhiên coi thường pháp luật? Nếu chúng ta không nhìn nhận đúng bản chất thì thực hiện, thực thi pháp luật và kiềm chế tai nạn giao thông sẽ có nhiều khó khăn.
Góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định, vị Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cũng nhìn nhận, từ trước đến nay, Luật Giao thông đường bộ đã thay đổi nhiều lần Nghị định về xử phạt hành chính bởi sau khi đưa vào thực hiện đã thấy được các bất cập trong các hành vi được quy định, hoặc thực tế hành vi đó diễn ra nhưng pháp luật chưa quy định thì sẽ bổ sung một cách toàn diện.
Dẫn chứng, theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Cục Cảnh sát giao thông nhận được nhiều thư kiến nghị của doanh nghiệp trong đó đề cập đến việc tạm giữ phương tiện đối với hành vi chở hàng quá tải trọng, trách nhiệm giữa chủ phương tiện và lái xe. Hành vi vượt quá tải trọng trên 150% có xử lý nặng hơn không? Trước đó, có ý kiến là nên áp dụng chế tài hình sự vì đây là hành vi phá hoạt tài sản quốc gia. Hay xử phạt vi phạm nồng độ cồn tỷ lệ phát hiện rất khiêm tốn; với xe khách dừng, đón trả khách dọc đường không chỉ xử phạt mỗi nhà xe, lái xe mà còn phải phạt cả hành khách…
Là đơn vị thực thi các quy định của pháp luật, Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông đang gặp nhiều khó khăn trong các quyết định xử phạt hành chính vi phạm giao thông chiếu theo quy định của Nghị định.
Giải thích rõ hơn, theo Thượng tá Viên, đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe, cùng một lỗi vi phạm cùng một lỗi vi phạm nhưng hành vi chủ chủ xe và lái xe lại được xác định hành vi khác nhau. Ví dụ như cùng vi phạm ở Điều 16, khoản 3, điểm d về tự ý thay đổi kích thước thành thùng thì phạt 900.000 đồng đối với lái xe nhưng cũng hành vi này tại Điều 30, khoản 7 thì là thay đổi hình dáng kích thước của xe chứ không phải thùng xe nữa và mức phạt của lái xe lên tới 6 triệu đồng.
Về quy định về thẩm quyền xử phạt hiện nay, Thượng tá Viên khẳng định vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt thẩm quyền của trưởng phòng cảnh sát giao thông xử phạt tối đa là 8 triệu đồng mà lỗi vi phạm đa phần lại ở mức cao thì lại phải chuyển lên Giám đốc Công an tỉnh nhưng thẩm quyền của Giám đốc lại chỉ được hơn 20 triệu đồng. Cao hơn nữa thì lại phải trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Thời gian để làm Tờ trình các thủ tục để chuyển sang Ủy ban Nhân dân tỉnh rất dài để ra được quyết định xử phạt hành chính.
Do đó, Thượng tá Viên kiến nghị, cắt thùng xe quá tải nên nghiên cứu tất cả thùng xe của từng loại phương tiện là một kích cỡ (từ 60cm-1m), nếu không sẽ rất khó kiểm soát, xử phạt. Xe quá tải trọng vi phạm, lái xe bỏ đi nhưng không có xe cẩu phương tiện, chỉ tính riêng lỗi không chấp hành hiệu lệnh (mức phạt hiện nay chỉ có 1 triệu đồng) thì phải kiến nghị nâng cao mức phạt…
Tránh theo “vết” xe cũ
Đánh giá việc ban hành các quy định xử phạt trong nhiều năm qua đáp ứng được các nhu cầu về xử lý vi phạm giao thông, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) nhìn nhận, cơ quan Nhà nước đã ban hành, nghiên cứu rất kỹ các Nghị định, Thông tư nhưng khi triển khai thực hiện thì vẫn vướng và cần sửa đổi, bổ sung thậm chí thay thế.
“Nghị định 171 ban hành 2013, nhưng đến năm 2014 đã phải bổ sung một số quy định xử phạt trong Nghị định 107. Nếu chúng ta không có sự thay đổi tiếp cận trong quá trình xây dựng Nghị định mà tiếp tục như thế này thì vẫn theo vết xe cũ,” Trung tướng Đỗ Đình Nghị khẳng định.
Đặc biệt, theo vị Trung tướng này, các đơn vị thực thi khi nghiên cứu, góp ý về Nghị định thì cần bám sát vào thực tiễn để hoàn thiện cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
“Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng các đơn vị chức năng cần phải đánh giá lại các nguyên nhân trong đó chỉ ra được nguyên nhân gì nổi cộm, tồn tại, quy chiếu lại các giải pháp để ‘siết” lại quy định trong chế tài sửa đổi,” Trung tướng Đỗ Đình Nghị nói.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, tình hình trật tự an toàn giao thông được kiềm chế, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã tăng cường. Trước thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra và có nhiều luồng ý kiến cho rằng cần tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông, để đồng bộ trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm một cách hiệu quả và mang tính răn đe cao, việc nghiên cứu, sửa đổi, thay thế, hoặc bổ sung Nghị định là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ Ban An toàn giao thông quốc gia, Chính phủ đã giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cho phép thay thế Nghị định 171 và 107.
“Qua tổng kết lần này, khi soạn thảo sẽ đề cập đến mọi khía cạnh về đối tượng, hành vi, mức độ xử phạt và thẩm quyền xử phạt. Lần này xây dựng là sẽ nghiên cứu cái gì chưa rõ thì sẽ lột tả cho rõ, cái gì thực hiện mà còn vòng vo thì sẽ đơn giản hóa để thực hiện. Điều gì mà chúng ta chưa dự báo đến sự phát triển trong thời gian tới mà trong xã hội sẽ xuất hiện thì cần nghiên cứu để đưa vào sửa đổi, thay thế Nghị định tới,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ quả quyết.
Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng khi xây dựng Nghị định lần này phải mang tính chất ổn định lâu dài về tính pháp lý làm sao 2-3 năm mà không phải sửa đổi.
“Trong soạn thảo Nghị định mới này, với tinh thần chỉ đạo không qua loa, và phải thoát ra được lối tư duy của việc xây dựng Nghị định 171, 107. Từ dưới không qua loa, ở trên cũng không qua loa thì Nghị định mới sẽ có chất lượng tốt,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định./.