Khi đi vào cuộc sống vào ngày 1/9 tới, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được kỳ vọng sẽ đem lại một “không gian Internet sạch” cho người dùng Việt.
Gần 16 năm qua, Việt Nam đã gia nhập “thế giới phẳng” trên mạng với những lo lắng ban đầu cho đến việc tiến tới làm chủ không gian mạng.
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 triệu người dùng Internet và là một trong ba nước có số lượng người dùng Internet nhiều nhất khu vực.
Không thể phủ nhận, Internet là một phát minh vĩ đại của con người. Với nhiều người, Internet bây giờ cũng giống như cơm ăn, áo mặc. Internet đã thay đổi phương thức làm việc, kinh doanh, giải trí… của cư dân toàn cầu.
Trong không gian mở ấy, người dùng sử dụng với mục đích nhân văn, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giao tiếp, giải trí lành mạnh. Thế nhưng, đi cùng với những lợi ích to lớn thì Internet cũng bộc lộ những điểm bất cập.
Với đặc điểm “không biên giới,” Internet dễ dàng trở thành công cụ đắc lực để kẻ xấu lợi dụng, là nơi "nuôi cấy những cây nấm độc," làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…
Trong những năm qua, cư dân mạng Việt Nam đã chứng kiến nhiều hệ lụy mà Internet mang lại. Ví dụ như dư luận từng nóng lên về việc các trang thông tin điện tử tràn lan, copy nguyên trạng tác phẩm báo chí làm ra trang báo tư nhân của mình; Trong giới showbiz, người ta dùng website, diễn đàn để “khoe mông, khoe ngực,” tạo ra scandal để hòng sự nổi tiếng; Một số trường hợp lợi dụng blog, website để kích động chống phá nhà nước, cố tình xuyên tạc sự thật…
Bài toán đặt ra là: Làm thế nào để người Việt tiếp cận với một môi trường Internet lành mạnh và bền vững? Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 72 được ban hành ngày 15/7 vừa qua chính là bước ngoặt lớn trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm bảo vệ cộng đồng mạng trước những mặt trái không đáng có của Internet.
Đây là một điều cần thiết, sẽ tạo ra một môi trường bền vững giúp Internet ở Việt Nam thực sự cất cánh, trở thành hơi thở trong lành, là môi trường không thể thiếu của nhiều người dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về Nghị định 72, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Nghị định này được xây dựng dựa trên Luật Viễn thông và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tham khảo các quốc gia khác về các vấn đề có liên quan. Nó nâng cao quyền làm chủ cũng như ý thức của người dân về những gì mình được phép hay không được phép làm trên mạng Internet, để họ không vi phạm và biết quyền của mình cụ thể được đến đâu?
Thế nhưng, để Nghị định phát huy tối đa sức mạnh của nó đòi hỏi các cấp, ngành xắn tay vào cuộc. Những cơ chế quản lý, chế tài… phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ thì mới mong có một không gian mạng "sạch,” đáp ứng mong mỏi của người dân.
Theo Bộ Thông tin Truyền thông, sắp tới đây sẽ có những văn bản quy định rõ ràng, chi tiết và cụ thể để Nghị định có thể đi vào đời sống theo đúng tinh thần "hướng quyền" của nó. /.
Gần 16 năm qua, Việt Nam đã gia nhập “thế giới phẳng” trên mạng với những lo lắng ban đầu cho đến việc tiến tới làm chủ không gian mạng.
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 triệu người dùng Internet và là một trong ba nước có số lượng người dùng Internet nhiều nhất khu vực.
Không thể phủ nhận, Internet là một phát minh vĩ đại của con người. Với nhiều người, Internet bây giờ cũng giống như cơm ăn, áo mặc. Internet đã thay đổi phương thức làm việc, kinh doanh, giải trí… của cư dân toàn cầu.
Trong không gian mở ấy, người dùng sử dụng với mục đích nhân văn, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giao tiếp, giải trí lành mạnh. Thế nhưng, đi cùng với những lợi ích to lớn thì Internet cũng bộc lộ những điểm bất cập.
Với đặc điểm “không biên giới,” Internet dễ dàng trở thành công cụ đắc lực để kẻ xấu lợi dụng, là nơi "nuôi cấy những cây nấm độc," làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…
Trong những năm qua, cư dân mạng Việt Nam đã chứng kiến nhiều hệ lụy mà Internet mang lại. Ví dụ như dư luận từng nóng lên về việc các trang thông tin điện tử tràn lan, copy nguyên trạng tác phẩm báo chí làm ra trang báo tư nhân của mình; Trong giới showbiz, người ta dùng website, diễn đàn để “khoe mông, khoe ngực,” tạo ra scandal để hòng sự nổi tiếng; Một số trường hợp lợi dụng blog, website để kích động chống phá nhà nước, cố tình xuyên tạc sự thật…
Bài toán đặt ra là: Làm thế nào để người Việt tiếp cận với một môi trường Internet lành mạnh và bền vững? Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 72 được ban hành ngày 15/7 vừa qua chính là bước ngoặt lớn trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm bảo vệ cộng đồng mạng trước những mặt trái không đáng có của Internet.
Đây là một điều cần thiết, sẽ tạo ra một môi trường bền vững giúp Internet ở Việt Nam thực sự cất cánh, trở thành hơi thở trong lành, là môi trường không thể thiếu của nhiều người dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về Nghị định 72, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Nghị định này được xây dựng dựa trên Luật Viễn thông và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tham khảo các quốc gia khác về các vấn đề có liên quan. Nó nâng cao quyền làm chủ cũng như ý thức của người dân về những gì mình được phép hay không được phép làm trên mạng Internet, để họ không vi phạm và biết quyền của mình cụ thể được đến đâu?
Thế nhưng, để Nghị định phát huy tối đa sức mạnh của nó đòi hỏi các cấp, ngành xắn tay vào cuộc. Những cơ chế quản lý, chế tài… phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ thì mới mong có một không gian mạng "sạch,” đáp ứng mong mỏi của người dân.
Theo Bộ Thông tin Truyền thông, sắp tới đây sẽ có những văn bản quy định rõ ràng, chi tiết và cụ thể để Nghị định có thể đi vào đời sống theo đúng tinh thần "hướng quyền" của nó. /.
Trung Hiền (Vietnam+)