Nghị định số 32/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024 được đánh giá có nhiều điểm mới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển các cụm công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hoá ở khu vực nông thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Đây là điểm mới và nổi bật được cơ quan chức năng đưa ra tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức sáng 23/4, tại Hà Nội.
Gỡ “nút thắt” về thu hút đầu tư
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã từng bước có bước chuyển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; đóng góp cho ngân sách cũng như GDP, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể mở rộng và phát triển sản xuất và có điều kiện đầu tư công nghệ mới kết hợp với công nghệ cổ truyền sản xuất các mặt hàng mới phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu…
Tuy nhiên, quá trình việc triển khai thực hiện 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP đã nảy sinh một số vướng mắc, khó khăn do chưa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Luật Đầu tư, Xây dựng, pháp luật Đất đai…
Hà Nội: Nhiều bất cập quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp
Vì vậy, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 32/2024/NĐ-CP), thay thế 2 Nghị định trên.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Nghị định 32/CP chỉ sửa đổi những yếu tố bất cập để phù hợp cho công tác quản lý, đồng thời mục tiêu đưa ra là rà soát, phân cấp mạnh cho địa phương, không tăng thủ tục, bộ máy… đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể hơn, Nghị định 32/CP phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 05 ha so với quy hoạch được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch khác trên địa bàn, đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đối với điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nếu cụm công nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách Nhà nước thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp.
“Kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ ngân sách Nhà nước không được tính vào giá cho thuê đất, giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp; chi phí quản lý, sửa chữa, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật được tính vào giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp. Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nội dung này thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành,” đại diện Cục Công Thương địa phương nói.
Ngoài ra, Nghị định số 32/CP tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo hướng đơn giản, linh hoạt xử lý cho địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung trong quản lý cụm công nghiệp (thống nhất các nội dung của Quyết định thành lập cụm công nghiệp, xử lý trường hợp đối với cụm công nghiệp có diện tích lớn hơn 75 ha, việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và xử lý công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước - nếu có).
Theo đó, Nghị định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp, tổ chức rà soát lại hiện trạng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ pháp lý liên quan của cụm công nghiệp để làm rõ sự cần thiết, phù hợp quy định pháp luật, tính khả thi và quyết định việc thành lập cụm công nghiệp.
Tận dụng "đòn bẩy" để tối ưu hóa các nguồn lực
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp. Đến nay, thành phố đã thành lập 102 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.188 hécta, trong đó có 43 cụm công nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2018-2020 theo Nghị định 68 của Chính phủ với tổng diện tích 742 hécta.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc thành lập mới các cụm công nghiệp gặp không ít khó khăn do vướng mắc liên quan đến các văn bản quy định bị chồng chéo, chưa được sửa đổi, tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định việc ban hành Nghị định 32/CP là rất cần thiết và đúng thời điểm, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này.
Để triển khai Nghị định thuận lợi, ông Hiệp đề nghị các bộ sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định theo nhiệm vụ được giao, trong đó ông đề nghị quy định chi tiết về điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp như chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ Ban quản lý dự án cấp huyện, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp cấp huyện được giao làm chủ đầu tư… sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư, trong đó có sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc không sử dụng ngân sách Nhà nước nước đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật.
Còn theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, trong phát triển cụm công nghiệp cần làm rõ hiện trạng đất đai, hạn chế sử dụng đất lúa và diện tích có nhiều hộ dân sinh sống nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tăng kết nối hạ tầng giao thông, hạn chế tốc độ đô thị hóa tại khu vực gần cụm công nghiệp tránh vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Nghị định 32 phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập/mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp… bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị cấp ủy chính quyền các địa phương chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn và Chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp và các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định 32/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan, từ đó huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng của các làng nghề truyền thống.
“Cục Công Thương địa phương là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan trong Bộ khẩn trương xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32. Thông tư của Bộ Công Thương muộn nhất 1/7 phải xong để ban hành. Tinh thần là cải cách hành chính, là trao quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện Nghị định,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ./.