Chờ “cú hích” chính sách từ Nghị định 08/2023 của Chính phủ

Nghị định 08: Lời giải cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo chuyên gia, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức phát hành và trái chủ có thêm thời gian và có thêm lựa chọn mới cho việc đàm phán thanh toán gốc và lãi vay.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI). (Nguồn: VTV)

Giới phân tích nhận định Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65/2002/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, là những giải pháp tình thế để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Bài 3: Chờ “cú hích” chính sách từ Nghị định 08/2023 của Chính phủ

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), việc Nghị định 08/2023/NĐ-CP chính thức ban hành sẽ tác động tới thị trường trái phiếu theo hướng tích cực là tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức phát hành và trái chủ có thêm thời gian và có thêm lựa chọn mới cho việc đàm phán thanh toán gốc và lãi vay.

Đồng thời tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính nếu đàm phán gia hạn nợ thành công với trái chủ và có thêm phương án hoán đổi tài sản nhằm trả nợ cho trái chủ hợp pháp. Với trái chủ thì họ có thêm cơ hội được thanh toán gốc và lãi vay bằng những tài sản khác có giá trị tương xứng. Mặt khác, quyền lợi của trái chủ vẫn được đề cao trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

“Trái chủ có chấp thuận phương án gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản của tổ chức phát hành đưa ra hay không thì quyền lợi của trái chủ vẫn phải được tổ chức phát hành đảm bảo. Đây là điểm mà tôi cho rằng đúng với bản chất của quan hệ vay nợ trên thị trường trái phiếu hiện nay,” ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, nếu các bên có thể đi đến thống nhất được theo một trong các phương án là gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành hiện tại, khi trong thời gian qua nhiều đơn vị đã không thể thanh toán được gốc và lãi đến hạn, trong hạn.

Thực tế, đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ trái phiếu toàn thị trường.

Trong số này, gần 38.500 tỷ đồng giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp này sẽ đáo hạn trong năm 2023 và chiếm 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Để thực sự tạo ra được những chuyển biến tích cực thì sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, tổ chức phát hành trái phiếu phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có được phương án gia hạn nợ hợp lý, hoặc hoán đổi tài sản với giá thị trường, đảm bảo được quyền lợi của trái chủ, qua đó giá trị của Nghị định 08/2023/NĐ-CP mới thực sự đi vào cuộc sống.

“Nếu doanh nghiệp không có thiện chí thống nhất được giải pháp trả nợ thì rõ ràng sẽ không có gì thay đổi so với thực tế hiện tại,” ông Ngọc nói.

Vị chuyên gia cho rằng để việc hoán đổi trái phiếu lấy tài sản khác, ví dụ như bất động sản cần phải có sự tham gia của đơn vị thẩm định giá tài sản. Như vậy sẽ khách quan, công bằng cho cả doanh nghiệp và trái chủ.

“Vấn đề định giá tài sản cũng cần đặc biệt lưu ý bởi nếu tài sản được định giá quá cao so với giá thị trường sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Do đó cần phải có một tổ chức định giá độc lập đủ uy tín, đảm bảo giá tài sản được sử dụng để thanh toán  sát với giá thị trường,” ông Ngọc nhấn mạnh.

Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư VNDIRECT cho biết về cơ bản, Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành với 2 mục tiêu chính: Tạo ra nền tảng pháp lý để tổ chức phát hành và nhà đầu tư có thể thỏa thuận với nhau nhằm giải quyết các trường hợp trái phiếu đến hạn nhưng không đủ khả năng thanh toán; nới lỏng tạm thời một số quy định về phát hành và chào bán trái phiếu riêng lẻ tại Nghị định 65 để giúp các đợt phát hành trái phiếu mới có khả năng phát hành thành công cao hơn trong năm 2023.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã đưa ra 3 nội dung sửa đổi, bổ sung chính gồm: Tổ chức phát hành có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán nợ gốc lãi đến hạn bằng tài sản khác nếu được trái chủ chấp thuận; tổ chức phát hành có thể xin ý kiến trái chủ để thay đổi điều kiện điều khoản trái phiếu; ngưng thi hành một số quy định của Nghị định 65 liên quan đến cách xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến hết năm 2023.

Các nội dung này của Nghị định 08/2023/NĐ-CP là những động thái tích cực cho thấy những nỗ lực của Chính phủ để gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số nội dung trong nghị định vẫn có thể dẫn đến những vướng mắc phát sinh khi đưa vào vận hành thực tế do các diễn giải khác nhau.

VNDIRECT kỳ vọng sẽ có thêm những hướng dẫn từ phía các cơ quan quản lý để các bên đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất.

[Nghị định 08: Hạn chế rủi ro về thanh khoản trên thị trường trái phiếu]

Bên cạnh đó, một số nội dung trong Nghị định 65/2002/NĐ-CP vẫn đang gây nhiều khó khăn cho thị trường; trong đó đặc biệt là yêu cầu kiểm toán định kỳ về mục đích sử dụng vốn trái phiếu.

Thực tế, thị trường trái phiếu Việt Nam đã gặp phải nhiều thách thức trong thời gian qua, gây ra sự mất niềm tin cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Để có thể ổn định và phục hồi niềm tin cho thị trường, ông Vương Hoàng Sơn cho rằng cần tăng tính minh bạch. Trước hết việc cung cấp thông tin về các khoản đầu tư trái phiếu cần phải được rõ ràng và minh bạch.

Bộ Tài chính họp báo về Nghị định 65/2022/CP sửa đổi bổ sung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin liên quan đến tình hình tài chính của các công ty phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng vốn, tài sản bảo đảm, rủi ro đầu tư và các chỉ số tài chính khác cần được công bố một cách rõ ràng và kịp thời.

“Vai trò giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng để thực thi mục tiêu này,” ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nhà đầu tư có thể được khuyến khích đầu tư vào thị trường trái phiếu bằng cách tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và giảm các rào cản để tiếp cận đến các lựa chọn đầu tư khác nhau, việc ngưng thi hành một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp của Nghị định 08/2023/NĐ-CP là một động thái tích cực hướng đến mục tiêu này trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong thị trường hiện nay không có nhiều nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng tham gia trở lại mà vai trò của nhà đầu tư tổ chức cần được đề cao hơn.

VNDIRECT cho rằng cần nới lỏng ngay một số điều kiện của các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, việc này sẽ tạo ra “cú hích” lớn ngay lập tức về phía cầu và cũng phù hợp với định hướng phát triển của thị trường về lâu dài.

Một yếu tố nữa giúp hồi phục thị trường trái phiếu đó là chính sách cần nhất quán. “Rõ ràng việc liên tục thay đổi các quy định về thị trường trái phiếu trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến các bên đều ngần ngại quay trở lại thị trường, do đó cơ quan quản lý nhà nước cần có sự nhất quán với lộ trình chính sách, giảm tần suất sửa đổi và tạo môi trường pháp lý ổn định hơn,” ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư VNDIRECT kiến nghị.

Thông tin thêm về Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết, thỏa thuận dựa trên sự đàm phán giữa 2 bên và phải được trái chủ đồng ý, Bộ Tài chính không làm trọng tài vì cơ chế tự vay, tự trả.

Nếu doanh nghiệp cố tình làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi không đàm phán được, đến kỳ hạn doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán như thỏa thuận. Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì trái chủ có quyền khởi kiện./.

Bài 1: Những "lỗ hổng" pháp lý

Đi tìm căn nguyên khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp "đóng băng"

Bài cuối: Thời điểm tốt nhất để Việt Nam cải cách lại thị trường vốn

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục