Nghệ thuật tạo hoa văn của người Mông hoa Điện Biên là di sản quốc gia

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà, Điện Biên, chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật tạo hoa văn của người Mông hoa Điện Biên là di sản quốc gia ảnh 1Lãnh đạo huyện Mường Chà đón nhận bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Tối 3/3, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông, ngành Mông hoa (Môngz Lênhs) xã Sa Lông.

Theo Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong đó có Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống là nét văn hóa độc đáo được người Mông ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà lưu giữ từ lâu đời.

Nghệ thuật tạo hoa văn của người Mông hoa Điện Biên là di sản quốc gia ảnh 2Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, Điện Biên. (Nguồn: dienbien.gov.vn)

Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc trong cách tạo hoa văn, phối màu trên các sản phẩm vải để tạo nên những trang phục đẹp, độc đáo, tinh tế, nhuần nhị và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông.

Đó là các sản phẩm váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác.

Các sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú, hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải cho thấy người Mông hoa phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đồng bào dân tộc Mông hoa quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà, ban phát điềm lành, xua đi những điều dữ.

Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của những người nghệ nhân Mông hoa.

[Tái hiện lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông tại Thủ đô Hà Nội]

Ông Chang A Lử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết: Việc công nhận nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khiến cộng đồng người Mông trên địa bàn rất vui mừng.

Hiện, người Mông ở xã Sa Lông vẫn luôn bảo vệ, phát huy giá trị di sản mang đậm tính thẩm mỹ, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và khéo léo này.

Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm Xòe Thái; Lễ hội Thành Bản Phủ-Đền Hoàng Công Chất tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà.

6 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, đồng thời khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, quảng bá, tuyên truyền nét đẹp văn hóa độc đáo của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục