Nghệ thuật sinh tồn của các quốc gia ở khu vực Trung Á

Cuộc họp tham vấn lần thứ ba của những người đứng đầu các quốc gia Trung Á diễn ra tháng 8/2021 tại Turkmenistan giúp phát triển hợp tác giữa các nước về kinh tế-xã hội, chính trị, văn hóa.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: property-report.com)

Theo trang mạng thediplomat.com, năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm độc lập của 5 nước cộng hòa Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây này nằm ở địa hình rộng lớn giữa Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, và ngày nay là một nhóm các quốc gia và nền kinh tế đang phát triển quan trọng ở trung tâm địa lý của lục địa Á-Âu.

Các nhà lãnh đạo và giới tinh hoa từ khu vực này hiểu rõ những ràng buộc và giới hạn đối với quyền lực của họ trong lĩnh vực địa chính trị. Mặc dù không hoàn toàn dân chủ và ổn định về chính trị, các chế độ này được thống nhất bởi sự hiểu biết chung về cách điều chỉnh mối quan hệ đầy phức tạp của các siêu cường láng giềng và bá chủ khu vực.

Do đó, chính sách cân bằng, phòng ngừa rủi ro và can dự có điều kiện của các nhân tố bên ngoài là vấn đề cần thiết.

Thời điểm hiện tại đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi chưa từng có của khu vực. Trong một bài viết gần đây điểm lại 3 thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng Bắc Kinh và 5 quốc gia Trung Á này đã “giúp đỡ lẫn nhau hết mình” thông qua quan hệ an ninh bền chặt và ngày càng được tăng cường. Nga, Tajikistan và Uzbekistan đã tham gia các nỗ lực quân sự chung gần biên giới Afghanistan vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Afghanistan.

Các bài bình luận đã kêu gọi Mỹ khôi phục sự hiện diện của nước này ở khu vực, như một biện pháp hạn chế và kiềm chế sự trỗi dậy của liên minh Trung-Nga.

[Các nước Trung Á lo ngại vòng xoáy bất ổn tại Afghanistan]

Trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và tham vọng mở rộng của Trung Quốc nhằm cung cấp một giải pháp thay thế cho các lĩnh vực kinh tế và quân sự mà Nga thống trị, cũng như ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần trong khu vực, câu hỏi vẫn là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với khu vực Trung Á?

Không cần phải nói rằng các quốc gia này là không đồng nhất và không nên được coi là một tập thể thống nhất, tuy nhiên vẫn có những điểm tương đồng cơ bản rất đáng được lưu ý cho các mục đích phân tích.

Ở đây, chúng ta xem xét nhiều kỹ thuật được các quốc gia Trung Á áp dụng trong việc duy trì lợi ích quốc gia cốt lõi, đồng thời củng cố sự hiện diện của họ trong khu vực - điều này cũng sẽ cho chúng ta một hoặc hai cái nhìn về quỹ đạo tương lai của họ.

Các quốc gia Trung Á từ lâu đã được hưởng lợi từ việc làm cho mình trở nên hữu ích đối với nhiều nhân tố và cường quốc khu vực. Trong những năm 1990, các nền kinh tế mới độc lập này nổi tiếng với nguồn năng lượng dồi dào, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Sự thiếu hụt này đã khiến họ ngay lập tức ở ngoại vi của kinh tế quốc tế.

Kể từ đó, các chính phủ trong khu vực đã tìm cách khai thác tài nguyên cũng như lợi thế về mặt địa chiến lược của mình (với những vị trí đắc địa mà họ chiếm giữ liên quan đến các tuyến thương mại và quy hoạch khu quân sự), đồng thời vun đắp mối quan hệ đồng phụ thuộc và hợp tác có chủ ý với cả Nga và Trung Quốc.

Moskva thường đóng vai trò là đối tác an ninh của khu vực, với các quốc gia khác nhau hỗ trợ trong việc cung cấp một tuyến đường bộ sẵn sàng tiếp cận Tây Á và tiểu lục địa Ấn Độ cho quốc gia này.

Thông qua việc gia nhập các thể chế an ninh đa phương - chẳng hạn như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và các hiệp định quân sự song phương giữa Nga và các quốc gia khác nhau - các nhà lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đã đảm bảo vai trò của Nga là đối tác quân sự quan trọng.

Mặt khác, hiệu quả tương đối và sự thiếu vắng trách nhiệm cơ cấu của các nền dân chủ còn nhiều khiếm khuyết ở Trung Á khiến các quốc gia này trở thành đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng của Bắc Kinh khi Trung Quốc thúc đẩy lợi ích kinh tế trong khu vực thông qua các cơ chế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRI.

Nga đánh giá Trung Á chủ yếu qua lăng kính ý thức hệ - đối với Putin, đặc biệt, khu vực này bao gồm nền tảng cho việc trẻ hóa tầm nhìn Á-Âu và những khát vọng đã làm nền tảng cho quan điểm của Nga về địa chính trị kể từ thời Sa hoàng.

Đối với Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, việc tiếp cận Trung Á là rất quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nội bộ dọc theo biên giới phía Tây của nước này, cũng như đảm bảo lối đi thông thoáng và không bị cản trở cho “Con đường tơ lụa” vốn rất quan trọng đối với “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Khi nói đến chiến lược Trung Á của Washington, chúng ta phải nhận thức được 2 vấn đề chính: Thứ nhất, sự quan tâm của cường quốc quân sự này trong việc thúc đẩy một bối cảnh ổn định trước các hoạt động của họ ở Afghanistan có thể xảy ra; Thứ hai, nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút sự ủng hộ và sự tin tưởng của các quốc gia Đông Âu thông qua việc duy trì năng lượng và an ninh thương mại ở Trung Á.

Một lần nữa, cho dù đó là lời hùng biện thân phương Tây của Phó Thủ tướng Uzbekistan Rustam Azimov hay cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Donald Trump, một sự thật rõ ràng: lãnh đạo của các quốc gia Trung Á đều mong muốn được phương Tây ủng hộ, ít nhất là trên danh nghĩa hay tượng trưng.

Cân bằng lợi ích cạnh tranh thông qua mơ hồ chiến lược

Việc làm cho bản thân trở nên hữu ích đối với nhiều bên là công cụ nhưng không có nghĩa là đủ. Một điều kiện khác phải được đáp ứng - lợi ích cạnh tranh của những người chơi thống trị khu vực và các siêu cường phải được quản lý.

Ở đây, các quốc gia Trung Á có hai lựa chọn. Đầu tiên là dung hòa các lợi ích khác nhau và đa số của các bên liên quan; thứ hai là quản lý sự chia rẽ thông qua chính sách cân bằng thận trọng. Thù địch ngày càng gia tăng giữa Washington và Moskva sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh do sự hung hăng của Trung Quốc, cho thấy rằng việc hòa giải những khác biệt rõ rệt như vậy là vô ích. Sự thay thế khi đó là chính sách cân bằng tinh vi.

Một số nghiên cứu để minh họa cho chính sách cân bằng như vậy đã diễn ra như thế nào. Ví dụ, hãy xem xét việc Kazakhstan trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2017-2018, trùng với giai đoạn biến động đáng kể trong khu vực.

Kazakhstan đã chọn theo đuổi lập trường khác biệt với Nga trong các vấn đề như khủng hoảng Syria và Ukraine. Trước đây, Kazakhstan đã tìm cách làm trung gian giữa chính phủ al-Assad và phe nổi dậy, trái ngược với việc công khai chấp nhận chế độ như Điện Kremlin đã làm; về sau, Kazakhstan vẫn mơ hồ về lập trường của mình cho đến khi bước vào cuộc khủng hoảng.

Phần lớn điều này trùng hợp với việc cựu Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev tìm cách thu hút đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cũng như quản lý phản ứng dữ dội từ Ukraine, một đối tác thương mại và chính trị ngày càng tăng của Kazakhstan.

Tương tự, Uzbekistan đã đều đặn duy trì khoảng cách với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), vẫn là một quan sát viên thay vì là một thành viên đầy đủ. Uzbekistan công khai ủng hộ BRI như một bước đệm để thúc đẩy thương mại và dòng vốn từ Trung Quốc.

Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của cố Tổng thống Islam Karimov, Uzbekistan đã rút khỏi CSTO do Moskva lãnh đạo, một động thái làm gia tăng chủ nghĩa biệt lập ở một phần đất nước. Chính sách đối ngoại “không cởi mở” của Uzbekistan được Turkmenistan bắt chước khi không tham gia trong hầu hết các nhóm khu vực.

Kết quả của chính sách cân bằng như vậy là rõ ràng. Thứ nhất, các quốc gia Trung Á riêng lẻ đẩy mạnh mức độ phục hồi và tự chủ đối với các lợi ích quan trọng mà họ quan tâm. Ví dụ, để phù hợp với chính sách kháng chiến của Ahmad Massoud ở Afghanistan, Tajikistan đã chọn liên kết với phương Tây (chứ không phải cặp đôi Trung-Nga) - đây là một động thái khẳng định cả lợi ích kinh tế của nước này, thông qua quan hệ với Mỹ và lợi ích an ninh (trong điều kiện loại bỏ sự hiện diện của Taliban ở khu vực).

Thứ hai, trạng thái cân bằng được củng cố bởi chính sách cân bằng như vậy đã cho phép các nước hàng đầu trong khu vực - chẳng hạn như Kazakhstan và Uzbekistan - đóng vai trò trung gian trong các cuộc khủng hoảng khu vực. Thật vậy, Kazakhstan đã cung cấp một địa điểm “trung lập” cho các cuộc đàm phán về cả cuộc khủng hoảng Syria (thông qua Đàm phán Hòa bình Astana) và chương trình hạt nhân Iran (thông qua đối thoại Almaty).

Kazakhstan cũng đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết bế tắc quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong những cuộc xung đột nóng bỏng giữa hai quốc gia này. Về phần mình, Uzbekistan đã tăng cường đáng kể vị thế quốc tế của mình thông qua việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan kể từ năm 2018.

Hội nghị Cấp cao Trung và Nam Á mới nhất vào tháng 7/2021 đã quy tụ đại diện của gần 50 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, khi họ cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề đầy thách thức ở Afghanistan, trong khi vẫn dựa trên sự cân bằng quyền lực và lợi ích trong khu vực.

Tăng cường tình đoàn kết khu vực Trung Á?

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các quốc gia Trung Á đã phát triển mạnh phần lớn trên cơ sở họ tìm cách vun đắp tình đoàn kết và nhận thức chung ở một mức độ nào đó. Cả Nur-Sultan và Tashkent đều nhận thấy rằng việc củng cố địa vị của họ như các lực lượng hòa giải và xây dựng hòa bình mới trong chính trị quốc tế sẽ đòi hỏi họ phải thúc đẩy đối thoại thực sự mang tính xây dựng và hợp tác trong khu vực.

Điều này không có nghĩa là dễ dàng. Sự sụp đổ của các chế độ Xô Viết đã dẫn đến việc phần lớn các cuộc thảo luận về việc phát triển các liên minh cụ thể giữa các quốc gia bị hoãn lại. Bất chấp những nỗ lực ban đầu để thành lập Liên minh Trung Á (CAU) vào đầu những năm 1990 bởi Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan, CAU thiếu vốn chính trị và không có sức hút.
Đã có những nỗ lực khác.

Năm 2004, Nhật Bản đã tìm cách khởi xướng cơ chế phối hợp đa cấp “Nhật Bản+Trung Á” trong khu vực như một công cụ định hình các cuộc đối thoại kinh tế và nhân đạo, theo đó sẽ cho phép Tokyo hưởng lợi từ các dự án năng lượng tiềm năng ở Turkmenistan, Kazakhstan, và Uzbekistan. Tương tự, năm 2007, Hàn Quốc đã đưa ra nền tảng đối thoại với Trung Á nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại ở khu vực Âu-Á. Tuy nhiên, những liên kết như vậy là được thúc đẩy từ bên ngoài và thiếu sự tham gia của những nước Trung Á nói trên.

Một giải pháp thay thế là nền tảng khu vực “C5+1” do Mỹ lãnh đạo, được khởi xướng năm 2015 dưới thời chính quyền Obama. Cách tiếp cận của Washington có những đặc điểm tương tự với các cơ chế đối thoại khác trong việc ưu tiên cải thiện các mối quan hệ kinh tế và giao thông, nhưng vẫn nhấn mạnh nhiều hơn đến chủ quyền chính trị của các quốc gia Trung Á.

Sáng kiến C5+1 đã được củng cố thêm dưới thời chính quyền Trump. Trong chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo vào tháng 2/2020 tới Kazakhstan và Uzbekistan, một chiến lược mới manh nha của Mỹ liên quan đến khu vực đã được công bố, nhằm tìm cách biến khu vực này trở thành trụ cột cho chiến lược của Washington ở Afghanistan.

Với cuộc di tản thảm khốc gần đây của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, rõ ràng chiến lược của Mỹ cần được sửa đổi một cách nghiêm túc. Hệ quả ở đây là rõ ràng: các quốc gia Trung Á không thể trông chờ vào việc Washington cung cấp một cơ sở đáng tin cậy, nhất quán và bền vững cho hợp tác khu vực. Một giải pháp thay thế là cần thiết.

Câu chuyện về hợp tác Trung Á đã lấy lại hơi thở mới sau khi tổng thống đương nhiệm của Uzbekistan là ông Shavkat Mirziyoyev lên nắm quyền năm 2016. Động lực tăng cường hợp tác khu vực trở nên rõ ràng hơn sau cuộc gặp tham vấn đầu tiên của những người đứng đầu các quốc gia Trung Á tại Nur-Sultan vào năm 2018 và sau đó tại Samarkand vào năm 2019. Cuộc họp tham vấn lần thứ ba được tổ chức vào tháng 8/2021 tại Turkmenistan.

Mục tiêu chính của liên minh non trẻ này là cải thiện sự phát triển hợp tác giữa các quốc gia trên các cấp độ kinh tế xã hội, chính trị và văn hóa. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là: Liệu Trung Á có thể nói lên tiếng nói của họ và được coi như một thực thể thống nhất hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục