Không rầm rộ khai trương quảng bá cho các đợt biểu diễn mới, không có cảnh khán giả nô nức tới rạp…, việc phục hồi hoạt động biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật đang diễn ra thầm lặng, theo đúng chủ trương thích ứng an toàn với dịch COVID-19 của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phía sau cánh cửa nhà hát, các nghệ sỹ vẫn nỗ lực tập vở mới, mong mỏi được tiếp cận khán giả bằng nhiều hình thức khác nhau trong dịp Tết.
'Tiệc nghệ thuật' đã bày
Những ngày đầu tháng 1/2022, có một sản phẩm nghệ thuật được truyền thông đánh giá cao. Đó là vở ca kịch-xiếc “Thượng Thiên Thánh Mẫu” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Dựa trên kịch bản của tác giả Lê Thế Song-Xuân Hồng, hai đạo diễn – nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) kết hợp các mảng miếng của hai bộ môn nghệ thuật, tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm đối với công chúng xuyên suốt vở diễn. Những tinh hoa của cải lương như các điệu lý, các câu vọng cổ, các lớp diễn trữ tình được thăng hoa trong các trò diễn đặc sắc của xiếc như bay trên không, ảo thuật nâng người, xoay người trên trục...
Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Anh Tú, nghệ sỹ nhân dân Kim Chung, nghệ sỹ nhân dân Tự Long phối hợp mang hát văn và diễn xướng hầu đồng vào vở diễn, tạo nên không gian rực rỡ và linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt hàng Nhà hát Múa rối Việt Nam sản xuất chương trình “Múa rối du Xuân với 5K” để phục vụ khán giả dịp Tết. Chương trình gồm có 3 tiết mục: “Múa nón Việt,” “Đánh đu,” “Chung tay đẩy lùi COVID (Corona xa ta ra).
[Các sân khấu tại TP.HCM trầm lắng trước dịp Tết Nhâm Dần 2022]
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thuý Mùi chia sẻ: “Tôi vô cùng ấn tượng khi con rối lớn Corona xuất hiện và nhảy lên nóc nhà, vươn cánh tay dài xuống khán phòng biểu diễn… Quả thực là đạo diễn và êkip sáng tạo đã rất công phu khi kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống trong một tiết mục tuyên truyền phòng chống dịch mang tính thời sự.”
Ở khu vực tư nhân, Sân khấu Lệ Ngọc vừa công bố dàn dựng hai vở mới “Vụ án người đốt đền” (nhà soạn kịch người Nga Grigori Gorin) và “Vang bóng một thời” (nhà văn Nguyễn Tuân). Dự kiến, hai vở diễn sẽ ra mắt công chúng dịp Tết nguyên đán với hình thức phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
“Vụ án người đốt đền” xoay quanh chuyện về Herostratus, kẻ cả gan đốt đền thờ nữ thần Artemis chỉ vì muốn lưu danh thiên cổ. Tác phẩm này nằm trong danh sách 100 vở kịch hay nhất thế giới mọi thời đại.
Đạo diễn Lê Quý Dương, người nhận giải Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, dàn dựng vở kịch này.
“Chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp là tội ác phải bị trừng phạt. Trừng phạt những tội ác nhìn thấy và nhận biết được thì dễ. Trừng phạt những tội ác trá hình, ẩn giấu dưới những mặt nạ thiện lương và nhân văn thì khó hơn nhiều. Thế giới loài người hôm nay có rất nhiều những kiểu tội ác như vậy,” đạo diễn chia sẻ.
Vở kịch quy tụ dàn diễn viên gạo cội đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau như nghệ sỹ ưu tú Lê Chức (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam), nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thuý Mùi (Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam), nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam).
Nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng cho hay các đơn vị nghệ thuật không ngừng sáng tạo, chuẩn bị các vở diễn tốt để có thể phục vụ khán giả trực tiếp hoặc trực tuyến, ghi hình. Có thể nói, “tiệc nghệ thuật” đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ điều kiện thuận lợi là “dọn cỗ” chiêu đãi khán giả.
Tiếp cận công chúng thế nào?
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết việc xây dựng chương trình chủ đề Xuân là hoạt động thường niên của nhà hát. Vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên các nghệ sỹ mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật online, có sự chung sức từ cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp phát trên sóng truyền hình và duy trì thường xuyên để phục vụ công chúng.
Từ cuối tháng Tám đến nay, Fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, tương tác của khán giả đam mê nghệ thuật chèo truyền thống với chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê.” Vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần, các nghệ sỹ chèo livestream để biểu diễn phục vụ khán giả. Song song với đó, các nghệ sỹ được chia thành các nhóm nhỏ đi biểu diễn để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Mới đây, chương trình nghệ thuật “Xuân yêu thương” của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội do Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện đã được ghi hình để phát sóng ngày 30/1 trên các kênh Style TV, Info TV…
Nhà hát còn tổ chức các cuộc thi hát chèo online thu hút các câu lạc bộ hát chèo và giọng ca hay trên toàn quốc và cả nước ngoài. Đây là một cách phổ cập nghệ thuật truyền thống đến với khán giả vô cùng sáng tạo.
Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Thanh Ngoan khẳng định rằng những người làm văn hoá nghệ thuật chấp nhận diễn online miễn phí chỉ để tiếp cận được khán giả. Lãnh đạo các nhà hát không tính đến bài toán doanh thu, bán vé ở thời điểm này.
Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết Liên đoàn Xiếc đang dự kiến mùng 2 Tết sẽ vẫn tổ chức diễn chương trình “Ngũ hổ đón Xuân” trong điều kiện không khán giả, chỉ livestream trên mạng xã hội.
“Chúng tôi sẽ diễn cả ở ngoài cổng rạp để tạo không khí tưng bừng, để khán giả, người dân Thủ đô thấy được sự khát khao được cống hiến nghệ thuật của các nghệ sỹ Liên đoàn Xiếc. Chúng tôi chấp nhận ra đường, diễn miễn phí chỉ để phục vụ công chúng và được sống với nghề,” ông chia sẻ.
Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng cho rằng các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền.
“Muốn thu được tiền của khán giả thì chúng ta phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường hiện nay. Trong lúc các nhà hát chưa có phòng thu, chưa có đủ các trang thiết bị công nghệ thì rất mong cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự hỗ trợ để chúng tôi ‘vượt khó’,” ông nói.
Khi dự buổi ra mắt chương trình của Nhà hát Múa rối Việt Nam, Thứ tưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã đánh giá cao chất lượng cũng như sức sáng tạo của êkip. Thứ trưởng cho rằng lãnh đạo nhà hát cần bám sát với tình hình thực tế để có sự chủ động trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đơn cử như chia nhỏ các tiết mục, chia nghệ sỹ thành nhiều nhóm nhỏ để toả đi biểu diễn lưu động khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp như hiện nay. Mặt khác, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Nghệ thuật và Biểu diễn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án hỗ trợ các nhà hát thực hiện chương trình trực tuyến trong năm 2022./.