Nghe Thanh Lam để chạm tới miền rung cảm mới

Thanh Lam đã đưa người nghe vào một “Người Hà Nội” theo đúng cách của mình: đằm thắm, nồng nàn, đầy biểu cảm và rất kỹ thuật.
Bước vào Nhà hát Lớn Hà Nội tối 7/7, bỏ lại cái nóng bức oi ả ngày hè, không ít người tò mò: "Thanh Lam sẽ hát như thế nào với dàn nhạc giao hưởng?"

Vẫn biết Thanh Lam là một trong bốn diva nhạc nhẹ nổi tiếng của Việt Nam, nhưng với chất giọng khàn thường hát ở những nốt thấp, Thanh Lam sẽ hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi như thế nào đây?

Sự hồi hộp đã gây ra một sức ép lớn, có lẽ không chỉ với những người đang nóng lòng chờ nghe Thanh Lam hát mà với cả ca sĩ. Thế nên, bài “Hoa sữa” (của Hồng Đăng) đã được đổi hát trước thay vì hát sau “Người Hà Nội” như trong kế hoạch và đoạn đầu Thanh Lam đã hát không hiệu quả như những lần đã hát trước đây.

Những người yêu mến Thanh Lam có cảm giác tức ngực và ai nấy nín thở chờ Thanh Lam “vượt qua thử thách.”

Khi nhạc trưởng Tettsuiji Honna giơ đũa bắt đầu tác phẩm tiếp theo, dàn nhạc với những hợp âm quen thuộc của Nguyễn Đình Thi vang lên cũng là lúc Thanh Lam đưa người nghe vào một “Người Hà Nội” theo đúng cách của mình: tông thấp, đằm thắm, nồng nàn, đầy biểu cảm và rất kỹ thuật.

Một “Người Hà Nội” ở tông thấp với chất giọng khác hẳn khiến nó trở nên cực kỳ hấp dẫn. Tiếng vỗ tay vang lên, lưu luyến khi ca sĩ lui vào hậu trường.

Kể từ khi đạt giải ca sĩ được yêu thích nhất tại Festival âm nhạc ở Lahavan, Cuba hay khi nhận giải thưởng cuộc thi chuyên nghiệp đơn ca toàn quốc lần thứ nhất cho đến giờ, Thanh Lam luôn giữ được phong độ của mình. Phong độ này thể hiện cả ở kỹ thuật thanh nhạc cho đến nhan sắc.

Giọng khàn hiện đại, giàu năng lượng, nồng ấm và đầy biểu cảm của Thanh Lam không chỉ có được nhờ vào năng khiếu bẩm sinh mà nhờ cô biết cách đẩy lợi thế cá nhân dồi dào cảm xúc của mình trên phương tiện kỹ thuật bài bản.

Hầu hết các nhạc sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc, bắt đầu từ cha cô - nhạc sĩ Thuận Yến với “Chia tay hoàng hôn” đến các nhạc sĩ khác như Quốc Trung, Thanh Tùng, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ , Phó Đức Phương, Ngọc Đại và gần đây là Lê Minh Sơn đều có tác phẩm được Thanh Lam khám phá.

Những khám phá của Thanh Lam đã góp phần đưa các tác phẩm đó đến với khán giả và được khán giả yêu thích. Mặc dù đã có nhiều người khác hát “Chia tay hoàng hôn,” “Rừng xưa đã khép,” “Lời tôi ru,” “Gọi anh,” "Đố tình,” “Hồ trên núi”... nhưng nghe Thanh Lam, nhiều người vẫn có cảm giác như vừa chạm tới một miền rung cảm mới.

Đêm 7/7 là đêm đầu tiên của chuỗi “Concert Tour Vietnam 2010” được lưu diễn tại bốn thành phố, bắt đầu từ Hà Nội.

Cũng như mọi năm, năm nay "Concert Tour Vietnam 2010" có mục tiêu phổ cập giao hưởng tới quảng đại công chúng yêu nhạc và gắn với chủ đề “Hướng về Thăng Long-Hà Nội ngàn năm tuổi.”

Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Ngô Hoàng Quân bày tỏ sự vui mừng khi Thanh Lam nhận lời đến với chương trình. Ông hứa hẹn dàn nhạc giao hưởng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch âm nhạc với bộ đôi Thanh Lam và Tùng Dương vào dịp cuối năm.

Sau mở đầu với hai tác phẩm xuất sắc của Việt Nam qua giọng hát Thanh Lam, chương trình tiếp tục với những tác phẩm kinh điển của âm nhạc thế giới của F. Suppe, G. Bizet, các tác phẩm khí nhạc và thanh nhạc nổi tiếng của P.I. Tchaikovsky,

Xen giữa chương trình có tiết mục “Tập làm nhạc trưởng.” Sáng kiến này của ban tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ thể hiện sự yêu thích âm nhạc, tiệm cận với nhạc giao hưởng.

Cũng như bốn năm trước đây, toàn bộ số tiền bán vé được dành cho chương trình học bổng hỗ trợ tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam./.

Trần Thị Trường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục