Từ nhiều năm nay, mỗi ngày hàng trăm mét khối nước thải màu trắng độc hại thải trực tiếp ra kênh, mương; hàng trăm kg chất thải rắn nguy hại đổ ra lề đường, ruộng lúa, chưa kể khói bụi và tiếng ồn đang "bức tử" môi trường tự nhiên ở làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Bình Yên là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ các phế thải như vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp để sản xuất chậu, mâm, xoong nồi...
Năm 1989, làng chỉ có bốn hộ sản xuất với nguyên liệu nhập từ Vân Chàng hay một số nơi ở Bắc Ninh.
Nhưng đến nay, số hộ tham gia sản xuất lên tới 269 hộ (trong tổng số 570 hộ); trong đó có 86 hộ chuyên cô, đúc nhôm, 161 hộ cán kéo và tạo hình và 22 hộ thuộc các loại hình sản xuất khác.
Hoạt động sản xuất nơi đây đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 người. Tuy nhiên, trong sản xuất, kinh doanh, các hộ chỉ chú tâm đến lợi nhuận mà không thực sự quan tâm đến môi trường.
Theo ước tính, quá trình cô đúc nhôm từ vỏ lon (bia, đồ uống đóng hộp) hàng ngày thải ra khoảng 40 tấn chất thải rắn nguy hại, trong khi nước thải từ khâu tẩy rửa sản phẩm (gồm sút, muối Cr và một số hóa chất chuyên dụng khác) lên tới 500m3 mỗi ngày.
Tất cả số chất thải rắn nguy hại và nước thải đều được các hộ đổ thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên, mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào từ nhiều năm nay.
Theo ghi nhận của phóng viên, khi bước chân vào các ngõ, xóm ở làng Bình Yên, chúng tôi cảm nhận thấy mùi hôi, khai nồng nặc cùng tiếng ồn, khói bụi vì hầu như xóm nào cũng có nhiều hộ làm nghề. Các rãnh nước trong ngõ xóm đều một màu trắng xóa vì nước thải tẩy rửa.
Nước thải được đưa ra hệ thống kênh, mương quanh làng khiến nơi đây từ nhiều năm nay không có một loài sinh vật nào có thể sống nổi.
Đặc biệt, chất thải từ quá trình cô đúc nhôm (được xếp loại chất thải rắn nguy hại) cũng được các hộ đổ trực tiếp ra lề đường, bờ ruộng; thậm chí không ít hộ còn đổ xuống kênh, mương.
Theo kết quả quan trắc mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại làng nghề Bình Yên, môi trường nước mặt tại sông Nam Ninh Hải, nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất, có hàm lượng SS (chất rắn lơ lửng) cao gấp 12,2 lần Quy chuẩn Việt Nam; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ, COD càng cao càng có hại cho sinh vật nước và hệ sinh thái nước nói chung) cao gấp 20 lần; BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn có trong nước nói chung và nước thải nói riêng gây ra với thời gian 5 ngày) cao gấp 21,2 lần.
Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Thanh chia sẻ nghề ở Bình Yên là nghề du nhập, không phải nghề truyền thống.
Từ nhiều năm trước, chính quyền xã và các đoàn thể chính trị xã hội đã tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành luật bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhưng vấn đề bảo vệ môi trường ở đây rất khó khăn.
Nguyên nhân là do nghề tự phát và bà con lại không tự giác; hơn nữa nghề này đang đem lại sinh kế cho gần 50% số hộ trong làng. Có trường hợp bị phạt nhưng ngành chức năng không thu được tiền.
Theo ông Ngoãn, dù hiện nay chưa có báo cáo đánh giá tác động đến sức khỏe nhưng đã có vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân trong vùng.
Chính quyền kêu quá khả năng
Hệ thống, kênh mương ở Bình Yên cũng không thể nạo vét được vì bùn độc hại không biết đổ ở đâu. Hiện mặt đáy kênh, mương đã cao hơn mặt ruộng, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Do ô nhiễm nặng trong hệ thống tưới tiêu, diện tích lúa không thể canh tác được lên tới 4ha.
Ông Ngoãn cho biết thêm năm 2008 các ngành chức năng của Nam Định và một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ đã triển khai dự án hỗ trợ làm điểm một hộ về giảm thiểu nước thải từ quá trình nhúng mạ sản phẩm nhôm; hai hộ về giảm thiểu khói bụi với loại hình cô đúc nhôm, tổng kinh phí gần 22 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ xây dựng 92 hố gas, 93 ống khói tại các hộ nhúng rửa sản phẩm nhôm, 48 ống khói cho các hộ cô đúc nhôm, 186 thùng nhựa loại 60 lít và 150 lít cho 93 hộ nhúng rửa sản phẩm, 30 thùng đặt tại kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác của xã với tổng kinh phí gần 443 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi dự án kết thúc vào cuối năm 2009 thì vấn đề ô nhiễm lại "đâu vào đấy" vì người dân không thể tự bỏ kinh phí trong khi các ống khói và hố gas không còn phù hợp với quy mô sản xuất ngày càng lớn của các hộ.
Một dự án khác do Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng Cục Môi trường bảo trợ cũng đã được triển khai với ba mô hình xử lý khí thải, nước thải và chất thải rắn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ dừng lại ở mô hình vì thực tế chi phí rất lớn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định Vũ Minh Lượng cho biết vấn đề ô nhiễm ở Bình Yên vượt quá khả năng xử lý của địa phương. Ngành môi trường Nam Định cũng đang bế tắc trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề vì cơ chế không rõ ràng và chưa có mô hình quản lý môi trường làng nghề.