Với nghệ sỹ piano Phó An My, việc kết hợp giữa khí nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam vẫn luôn là một “cuộc chơi” liều lĩnh nhưng đầy hứng khởi.
Tiếp nối những đêm diễn “độc,” “lạ” trên hành trình sáng tạo, nghệ sỹ Phó An My cùng nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên giới thiệu tới khán giả piano concert “Tỉnh.” Chương trình sẽ diễn ra vào tối 24/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hình ảnh “mẹ thiên nhiên”
Phó An My chia sẻ, “Tỉnh” hướng đến việc khơi nguồn cảm hứng để để cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.
Dựa trên những thành tố cơ bản cấu thành vũ trụ (kim-mộc-thủy-hỏa-thổ), tương ứng với những thang âm trong quan niệm cổ nhạc của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng (hò-xừ-xang-xê-cống) “Tỉnh” phác họa nên hình ảnh “mẹ thiên nhiên” với vẻ lộng lẫy, kỳ diệu, hùng vĩ, hào phóng và bao dung.
[Hoàng Rob và hành trình đưa violin bước khỏi ‘thánh đường nghệ thuật’]
Theo đó, “Tỉnh” bao gồm năm trường đoạn: “Đất,” “Nước,” “Hỏa,” “Khí,” và “Sinh.” Mỗi chương là một câu chuyện thực tế được kể bằng âm nhạc về thiên nhiên, cỏ cây, môi trường sống cùng những thảm họa tác động của con người tới tự nhiên.
Nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên cho biết, “Tỉnh” được soạn bằng bút pháp sáng tác khí nhạc phương Tây nhưng chứa đựng hơi thở của ca trù.
“Ở đó, người nghe sẽ không thấy sự hiện diện của một khúc đàn, khúc nhạc, làn điệu cụ thể nào. Thay vào đó, khán giả sẽ chỉ bất chợt bắt gặp dung dáng cổ nhạc trong những tuyến giai điệu, nhịp điệu, tiết điệu, âm sắc hoặc hòa âm trên cây đàn piano và các nhạc cụ đồng diễn,” Đặng Tuệ Nguyên bày tỏ.
Nối dài hành trình “độc thoại”
Ở “Tỉnh,” Phó An My sẽ độc diễn trên sân khấu. Đây là bước đi nối dài chặng đường “độc thoại” của Phó An My (kể từ dự án “Độc hành” ra mắt năm 2017 dựa trên chất liệu văn hóa, âm nhạc dân gian của đồng bào Tày, Nùng khu vực vùng núi phía Bắc).
Đây là hành trình hướng về cội nguồn và khám phá chính mình của Phó An My - nghệ sỹ dương cầm hiếm hoi của Việt Nam từng chơi nhạc ở nhà hát lừng danh Philharmonie de Paris.
Âm nhạc của độc thoại là những khoảnh khắc tự vấn, tự ngẫm, tự cảm của nghệ sỹ khi gắn mình vào cội nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, chất liệu chính của “Độc hành” (2017), “Tỉnh” (2019) và những dự án tiếp theo trên hành trình độc thoại là những yếu tố văn hóa, âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Trên nền tảng đó, các nghệ sỹ phát triển thành tác phẩm khí nhạc đương đại.
Hơn một thập kỷ qua, Phó An My cùng người đồng hành (nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên) vẫn miệt mài với lựa chọn riêng trên cung đường không ít chông gai: dùng âm thanh, phím đàn piano để diễn xướng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đưa khán giả vào cuộc phiêu lưu lãng mạn nhưng cũng đầy “toan tính.”
Với khát vọng đưa âm nhạc truyền thống của Việt Nam đến với khán giả quốc tế cùng niềm đau đáu “Làm sao để các nhà soạn nhạc trên thế giới có thể chuyển soạn được âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên nền khí nhạc phương Tây và trình diễn ở khắp nơi,” Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên đã mở ra một cuộc phiêu lưu lãng mạn nhưng cũng đầy bất ngờ.
Trong thế giới “dị biệt” của họ, mọi ranh giới đều như mờ nhòe, mơ hồ, khó có thể phân định rạch ròi giữa nhạc cổ điển thế giới, nhạc đương đại, nhạc truyền thống… Điều này thể hiện tư duy, ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ của các nghệ sỹ.
Trước khi rẽ hướng sang “độc thoại,” cặp đôi nghệ sỹ biểu diễn Phó An My và nhạc sỹ sáng tác Đặng Tuệ Nguyên đã đi một chặng đường thú vị của âm nhạc “đối thoại” với các dự án: “Lửa” (đối thoại piano và tuồng), “Bóng” (đối thoại piano và chầu văn), “Gió” (đối thoại piano và chèo).
Trước “Bóng,” “Lửa,” “Gió” và “Độc hành,” khán giả rất khó hình dung sự đồng điệu của cây đàn piano với các làn điệu chèo, tuồng, hát văn… trong cùng một tiết mục trên sân khấu. Thế nhưng, Phó An My đã dẫn dắt công chúng từ những nghi ngại ban đầu đến trạng thái bất ngờ, thậm chí là cảm giác “sửng sốt.”
Giới mộ điệu vẫn ví tiếng đàn của Phó An My là “tiếng dương cầm bão tố” - duy mỹ, kiêu hãnh và có phần “bất cần” như chính bản ngã của nghệ sỹ. Trong các “đối thoại” và “độc thoại” trước đó, tiếng piano của Phó An My vẫn đầy “bão tố” dữ dội nhưng đã tạo thành nền tảng đĩnh đạc, nghiêm túc để chất nỉ non của điệu chèo, sự trầm bổng của tiéng hát cung văn… vang ngân giữa thính phòng.
Phó An My bảo, từ những đêm nhạc trước đó đến “Tỉnh” lần này và với cả những dự án sau này, chị muốn nối bước các nhà soạn nhạc cận đại: chắt lọc những tinh túy trong âm nhạc dân gian của dân tộc để đưa vào không gian âm nhạc giao hưởng thính phòng; để từ đó, những âm sắc Việt đến và định hình trong tâm thức khán giả thế giới./.