Có duyên sâu và nặng tình với lực lượng chiến sỹ, sau album “Gần lắm Trường Sa” dành cho các chiến sỹ biển, đảo, nghệ sỹ ưu tú Khánh Hòa tiếp tục ra mắt album “Tình biên cương” – một dự án tìm tòi, tâm huyết để mang tiếng hát đến những tuyến đầu.
Chất liệu âm nhạc chủ đạo là H’mong, “Tình biên cương” gồm một CD và một DVD được biên tập như một bộ phim ca nhạc. Album là 7 ca khúc nói về người lính nơi biên cương của Tổ quốc như “Hoa sim biên giới,” “Tiếng chim họa mi hót,” “Chiều biên giới,” “Thơ tình của suối,” “Bài ca trên núi,” “Thương anh nhiều lắm đấy,” “Tình yêu bên suối.”
Ngoài sự bài bản và thực hiện công phu, sản phẩm âm nhạc “Tình biên cương” chinh phục khán giả và giới nhạc chính bởi sự miệt mài, đam mê của Khánh Hòa với đề tài “gai góc" là về tình quân dân.
Khánh Hòa chia sẻ, chị “nặng nợ” với người lính. Người khác tránh vì thấy khó, thấy cũ thì Khánh Hòa lại “đâm đầu vào.” Không những thế, hát về người lính, chị rất hân hoan và vui vẻ.
Nghe “Tình biên cương” cảm nhận ngay được sự chân thành trong tiếng hát của Khánh Hòa. Gần người lính, đam mê đề tài người lính, khiến Khánh Hòa có cách hát "rất hiểu" người lính. Giọng hát tươi vui, nhẹ nhõm, không cố tình luyến láy, uyển chuyển cho ra chất vùng cao nhưng lại rất chân tình. Chân tình bởi sự mộc mạc.
Hẳn vậy mà, sản phẩm này, dù được đầu tư kỹ và tâm huyết nhưng Khánh Hòa và các cộng sự không nỗ lực làm mới, tạo đột phá về âm nhạc, hay hướng đến cách chuyển tải "lạ" hơn.
Đối với Khánh Hòa, hải đảo và biên giới là hai vùng khó khăn gian khổ nhất. Đó là nơi cần được động viên nhiều nhất. Với suy nghĩ đã làm được album Trường Sa với tất cả tâm huyết rồi thì khi bắt tay vào thực hiện album về biên phòng này chị cũng muốn làm sao để nó tương xứng về tất cả mọi mặt.
Để thực hiện album “Tình Biên cương" - Khánh Hòa dành thời gian rất dài tìm hiểu nhiều về các vùng biên giới. Khánh Hòa đã chủ động tiên phong đi lên các vùng biên giới, đến từng đồn biên phòng trên Hà Giang, trên những điểm chốt xa xôi để thâm nhập thực tế đời sống của bộ đội, hát cho bộ đội nghe. Phải đi và đến, “được gần gũi bộ đội hơn và được chia sẻ mang giọng hát của mình tới các chiến sỹ bộ đội Biên phòng và từ đó thì bắt đầu nảy nở tình yêu và đâm mê hát về người lính.”
Bên cạnh album đầy tâm huyết, “Tình biên cương” còn là sản phẩm phim ca nhạc được đầu tư kỹ lưỡng bởi bàn tay đạo diễn của nghệ sỹ ưu tú Việt Hương.
Có một cô gái H’mong vùng cao xinh đẹp hát hay, trai bản rất thích cô nhưng cô lại trót yêu thương người lính biên phòng. Phim xây dựng hình tượng người chiến sỹ biên phòng với suy nghĩ và tình cảm của người lính dành cho mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc là: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương.”
Bên cạnh đó, nhiều tháng trực tiếp đoàn làm phim thực hiện ở các đồn văn phòng, đã cho “Tình biên cương” có những thước phim sống động và cảm động về người lính nơi địa đầu Tổ quốc.
Bốn năm cho một dự án, “đi mới có cảm xúc để hát” - Khánh Hòa khẳng định, phải chừng ấy thời gian, từng ấy trải nghiệm mới đủ để ra “Tình biên cương.” Dày công và áp lực lại càng nhiều, nhưng nghệ thuật phải thực sự đam mê, có áp lực thì mới có sáng tạo./.