Khung cảnh thiên nhiên nên thơ và tiếng nhạc réo rắt tràn ngập trong những thước phim tài liệu của nghệ sỹ Pháp François Bibonne...
Bộ phim “Once upon a bridge in Vietnam” (Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam) được thực hiện bằng tiếng Pháp với phụ đề tiếng Việt, khám phá sự kết nối hài hòa âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây tại Việt Nam.
Âm nhạc là sự kết nối
François Bibonne là nghệ sỹ piano, đạo diễn người Pháp. Từ nhỏ, anh sống cùng bà nội, bà yêu âm nhạc và luôn khích lệ anh chơi đàn. Sau khi bà qua đời thì anh bỗng nhận ra rằng mình cần phải biết rõ hơn về cội nguồn của bà, đất nước Việt Nam, thông qua âm nhạc. Ý tưởng làm bộ phim tài liệu “Once upon a bridge in Vietnam” ra đời.
Với François Bibonne, những thước phim chính là cánh cửa giúp anh có thể tiếp cận và hiểu hơn về âm nhạc và những nét văn hóa bản địa đặc trưng của Việt Nam đồng thời anh cũng muốn đưa đến cho người xem những góc nhìn mới mẻ và thú vị về Việt Nam.
Bộ phim sử dụng hình ảnh cây cầu lặp đi lặp lại như một ẩn dụ thể hiện sự kết nối, chẳng hạn sự kết nối giữa Pháp với Việt Nam, giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc phương Tây, giữa quá khứ và tương lai…
“Tôi muốn âm nhạc hàn lâm trở nên phổ biến hơn. Vì thế, bộ phim dành cho tất cả những người yêu nhạc, và đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Họ cần nhìn thế giới âm nhạc theo một cách khác với những gì đang diễn ra trên Tiktok. Do đó, tôi làm một bộ phim tài liệu có bầu không khí nên thơ, giàu tính điện ảnh, với sự góp mặt của các nghệ sỹ chuyên nghiệp và có tình yêu lớn với âm nhạc,” François Bibonne chia sẻ.
Đạo diễn người Pháp tiết lộ rằng âm nhạc bao trùm toàn bộ 30 phút phim, dẫn dắt người xem đi từ quá khứ đến tương lai, từ nông thôn đến thành thị.
Để thực hiện bộ phim này, anh đã theo chân nghệ sỹ tỳ bà Thuỷ Phan, giáo viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tìm hiểu về nền âm nhạc truyền thống đậm đà bản sắc cũng như thế giới nhạc cổ điển đầy chất hàn lâm.
“Cô ấy xuất hiện trong phim với vai trò người dẫn chuyện và từ đó, kết nối các phân đoạn âm nhạc. Cô ấy đưa tôi đến các sự kiện biểu diễn và giúp tôi kết nối, dẫn dắt trong các buổi phỏng vấn,” đạo diễn chia sẻ.
Bên cạnh Thủy Phan, đạo diễn còn có những người bạn đồng hành như nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam Honna Tetsuji, nghệ sỹ violon Bùi Công Duy, nghệ sỹ piano Lương Tố Như, nghệ sỹ piano Lưu Đức Anh… Họ truyền cảm hứng và giúp François Bibonne gần gũi hơn với cộng đồng âm nhạc Việt Nam.
Phần âm nhạc trong phim do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam thực hiện (âm nhạc của các nhà soạn nhạc Dvorak, Mozart, Beethoven, Bach, Ravel, nhà soạn nhạc Trọng Bằng và Đàm Linh), cùng những bản thu âm trong các chuyến đi của François Bibonne. Ngoài ra, phim có sử dụng bài hát “Trái đất này là của chúng mình” (nghệ sỹ jazz Dattie Đỗ), bài dân ca quan họ “Tương phùng tương ngộ” do dàn hợp xướng Hy Vọng biểu diễn.
“Mỗi khi tôi nghĩ về tương lai âm nhạc Việt Nam, trong đầu tôi luôn là hình ảnh của âm nhạc truyền thống giữa dòng chảy của xã hội hiện đại. Dự án của tôi bắt đầu từ những khung hình dàn nhạc hoành tráng, sau đó dẫn dắt đến những quang cảnh thời nay, nơi mà đâu đó vẫn vang vọng những giai điệu nhạc cổ điển,” đạo diễn người Pháp bày tỏ.
Quay phim giữa thời điểm dịch bệnh
Thực hiện bộ phim tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh là một quyết định táo bạo của đạo diễn. Những đợt dịch bùng phát khiến tiến độ quay phim bị chậm, anh phải hủy một số cảnh quay ở Côn Đảo và Bắc Giang cũng như phải thay đổi kịch bản, song anh cũng ghi lại những thước phim quý giá mà trong cuộc sống bình thường có thể không có được.
“Trong giai đoạn dịch COVID-19, tôi đã có được những góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về Việt Nam, sâu sắc hơn và đẹp hơn nhiều so với những hình ảnh phổ biến phục vụ du lịch,” đạo diễn chia sẻ.
Dịch bệnh cũng khiến nhiều buổi hòa nhạc và các chương trình nghệ thuật phải dừng lại. Đạo diễn cũng khá lo lắng vì sợ rằng không đủ chất liệu cho bộ phim song chính nhạc trưởng Honna Tetsuji đã kết nối để anh có thể đến quay những sự kiện hiếm hoi như buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Công an. Anh nhận định Việt Nam là quốc gia duy nhất phát triển nhiều dự án âm nhạc như vậy trong thời dịch COVID-19 bùng phát trong hai năm qua.
Những cảnh quay không thể thực hiện được do COVID-19 không khiến anh nuối tiếc mà ngược lại, trở thành cảm hứng để anh quay lại Việt Nam thực hiện một bộ phim tài liệu khác.
“Tôi sẽ còn quay lại Việt Nam bởi bộ phim tài liệu này chỉ là sự khởi đầu cho dự án Thi Koan (tên của bà nội anh-PV). Đây là một dự án kéo dài nhiều năm nhằm giúp các nhạc sỹ và nhà hoạt động âm nhạc ở Việt Nam quảng bá các dự án của mình,” anh cho biết.
Bộ phim này cũng đề cập đến dự án âm nhạc “Thanh âm xanh-Âm nhạc dẫn lối rừng xanh” nhằm gây quỹ trồng 1 triệu cây tre ở Yên Bái.
Được biết hiện dự án phim tài liệu “Once upon a bridge in Vietnam” đã hoàn thành khâu tiền kỳ và đang trong giai đoạn xử lý hậu kỳ để kịp ra mắt vào dịp cuối năm 2021 trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến và truyền hình của Pháp như Arte TV và Netflix cũng như trên các kênh mạng xã hội của đạo diễn.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh bày tỏ sự quan tâm đối với bộ phim này. Ông cho hay trước đây Việt Nam có rất nhiều phim tài liệu âm nhạc, tuy nhiên vì một số lý do nên hiện nay không còn nhiều nữa. Điều đó khiến các nghệ sỹ lo lắng rằng âm nhạc hàn lâm ngày càng ít được chú ý.
“Tôi rất vui khi một người nước ngoài quan tâm và mong muốn quảng bá âm nhạc của Việt Nam. Dự án đề cập đến những nghệ sỹ quan trọng ở các thể loại âm nhạc nổi bật của Việt Nam hiện nay,” nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ./.
Trailer giới thiệu bộ phim: