Nghệ sỹ nhiếp ảnh thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Tác giả của bức ảnh bộ đội trèo đèo xuyên hẻm núi có những tia nắng lọc qua sương mờ rọi lên vai - “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Minh Trường.

Tác giả của bức ảnh bộ đội trèo đèo xuyên hẻm núi có những tia nắng lọc qua sương mờ rọi lên vai - “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - đã vĩnh viễn ra đi ngày 18/8/2011. Ông là nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Minh Trường, người đã nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2006.

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Minh Trường, phóng viên ảnh TTXVN, có khuôn mặt trái bồ quân, điển trai, tươi tỉnh, ăn mặc chỉnh tề, mùa Hè thường vận bộ quần áo kaki cộc tay trắng hoặc vàng, mùa Đông khoác chiếc áo varơi màu tro nhạt được là phẳng nếp, tay cầm tẩu thuốc, đĩnh đạc như một chính khách.

Có lẽ ông là người duy nhất dựng những tập maket ảnh cẩn thận, ghi chú tỉ mỉ và trình bày đẹp, trong đó, ngoài các yếu tố thông tin trong chú thích ảnh, còn có các yếu tố tạo hình nhiếp ảnh như chỉ số cửa điều sáng, tốc độ chụp, loại phim gì, ngày tháng năm chụp hình ảnh đó. Những việc đó phải đến cuối thế kỷ 20 máy ảnh kỹ thuật số mới làm!

Ông là tác giả bức ảnh bộ đội trèo đèo xuyên hẻm núi có những tia nắng lọc qua sương mờ rọi lên vai, lên núi, lên ba lô con cóc, âm thầm nối dòng người vào Nam chiến đấu. Bức ảnh có tiêu đề bằng câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Xẻ đọc Trường Sơn đi cứu nước.” Ảnh và thơ nhập hồn với nhau. Tác phẩm đó đã đưa lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2006. Dù chiến tranh đã đi qua, thời gian đã lùi xa, nhưng bức ảnh vẫn để lại dấu ấn về một thời gian khó, hào hùng.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 1Tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của tác giả Lê Minh Trường được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006. (Nguồn: TTXVN)

Lê Minh Trường sinh ra và lớn lên ở đất Cố đô Huế, vào bộ đội trinh sát hồi kháng chiến chống Pháp. Ông tập kết ra Bắc năm 1954, làm công tác nhiếp ảnh ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài. Sau năm 1957, ông chuyển sang Phân xã nhiếp ảnh Việt Nam Thông tấn xã, và từ bấy trở đi cuộc đời ông gắn liền với ảnh Thông tấn.

Những năm 1960, ông được đặc trách mảng ảnh văn hóa xã hội. Bạn đọc không thể quên được hình ảnh các em nhỏ đội mũ rơm đi học, cô giáo làng của trường cấp II Lý Nhân, Hà Nam, lớp học dưới giao thông hào, bệnh viện trong lòng địa đạo Vĩnh Linh... của ông. Bạn nghề chịu ông ở cách chụp ảnh sắc sảo, bố cục chặt chẽ, ánh sáng uyển chuyển, đường nét phân minh.

Ảnh về người thực, việc thực trong gian nan, vất vả mà vẫn toát lên vẻ đẹp tự tin của con người. Ảnh của Minh Trường là ảnh thông tấn báo chí nhưng nó có nét riêng mang chút hào hoa, lãng mạn, khá nhiều ảnh có chất thơ cuộc sống.

Nhưng trong tranh luận nghề nghiệp ông chẳng mềm chút nào. Minh Trường thẳng tính, nóng nảy. Kể cũng lạ, người Huế, giọng Huế là nhẹ nhàng, thuyết phục, còn ông, Huế - Minh Trường hay căng thẳng, oang oang. Tuy nhiên chẳng mấy ai giận ông. Bởi vì găng đó cho thấu lẽ, rồi lại cười hề hề, hồn nhiên: “Tụi bay xem, nó nói nghe không lọt." Bởi vì khi vào cuộc, Minh Trường là người của ảnh, xông xáo, gan lỳ và chia sẻ với anh em.

Mùa Xuân năm 1972, Việt Nam Thông tấn xã cử hai nhóm phóng viên tới mặt trận Quảng Trị. Nhóm thứ nhất theo cánh quân chủ lực ở miền Tây Quảng Trị. Nhiếp ảnh gồm Đoàn Tý, Vũ Tạo, Nghĩa Dũng, Hồng Thụ, có Vũ Tín là biên tập cùng hai kỹ thuật viên thu phát Telephoto, viết tin có Trương Đức Anh. Nhóm này Nghĩa Dũng hy sinh, Vũ Tín bị thương ở chân do nhiễm trùng bị hoại tử, bệnh viện tiền phương đã phải tháo khớp gối cho Vũ Tín. Tại nơi Vũ Tín bị thương cũng là lúc đồng chí Cao Bá Đồng, Cục phó Cục chính trị mặt trận B5, bị bom hy sinh. Nhóm thứ hai theo dân quân địa phương ở phía Đông, ảnh có Minh Trường, Xuân Lâm, Phạm Hoạt..., viết tin có Lam Thanh, Hồ Bích Sơn, Trần Mai Hưởng, Phạm Tài Nguyên.

Với chiếc mũ tai bèo, bộ quân phục giải phóng màu xanh lá cây, hai chiếc máy ảnh, một Pentax của Nhật, một Praktica của Cộng hòa Dân chủ Đức, một súng lục K59 đeo bên hông và chiếc balô con cóc đầy quần áo, võng tăng, mặt nạ phòng độc, phim chụp ảnh, lương khô, bi đông nước, khi ấy, ông trở thành người lính nhanh nhẹn, gọn gàng. Ở tuổi 40, chất lính năm nào lại bừng lên trong con người ông, phong độ và tráng kiện. Ông có mặt trong ngày giải phóng Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Ông có ảnh bộ đội ta truy kích địch ở từng góc phố, từng con hẻm, ngổn ngang bê tông, gạch ngói đổ nát.…

Địch tái chiếm Quảng Trị, nhóm phóng viên phía Đông tạm rút về Vĩnh Linh. Sau đó Minh Trường, Xuân Lâm được điều ra Bắc. Rồi 12 ngày đêm B52 đánh phá Hà Nội, Minh Trường lại xông xáo như con thoi. Người ta thấy trong ảnh của ông ngổn ngang xác máy bay B52, thấy dân quân tự vệ Thủ đô chắc tay súng, thấy Khâm Thiên, Bạch Mai đổ nát...…

Giã từ Hà Nội, Minh Trường và những phóng viên khác của Việt Nam Thông tấn xã lại lên đường chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông cùng hàng chục phóng viên ảnh và tin theo sát cánh quân giải phóng vùng Tây Nam Bộ. Ước nguyện được ghi lại giây phút lịch sử của dân tộc đã đến với ông. Niềm vui và hạnh phúc ấy đã níu ông ở lại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục làm phóng viên ảnh cho tới khi về hưu.

Là người được giới nhiếp ảnh yêu mến và nể trọng, ông từng tham gia Ban Chấp hành Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam khóa II (1983-1988), khóa III (1988-1994) và Hội đồng Nghệ thuật của khóa IV (1994-1999). Ông đã để lại hàng nghìn tấm phim giá trị và đã hoàn thành hai cuốn sách ảnh cá nhân về chiến tranh và về đất lúa, đất dừa Nam Bộ, trong đó có cuốn sách ảnh nổi tiếng “Trên những nẻo đường đất nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục