Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu tuổi 90: 'Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên'

Tuổi cửu thập, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu đang mang trọng bệnh. Dẫu vậy, ông vẫn lạc quan vui sống nhờ tình yêu âm nhạc cháy bỏng và sự chăm sóc, nâng giấc của người vợ hiền - bà Minh Ngà.

Tuổi U90, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu vẫn yêu âm nhạc cháy bỏng. Ông khát khao được hát dù đang lâm trọng bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tuổi U90, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu vẫn yêu âm nhạc cháy bỏng. Ông khát khao được hát dù đang lâm trọng bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong cõi nhân thế này, có thể sống đến tuổi U90 mà vẫn vui hát mỗi ngày như Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu quả thực không nhiều.

Thân mang trọng bệnh nhưng ông vẫn giữ được tinh thần vui vẻ, hào sảng, vẫn cháy bỏng đam mê với âm nhạc, sẵn sàng hát tặng mọi người một vài câu trong những bài hát đã làm nên tên tuổi của ông.

Có thể duy trì tinh thần ấy, tôi tin rằng một phần rất lớn là nhờ công của vợ ông, bà Nguyễn Minh Ngà, người mà ông luôn trân trọng, ví là “bà tiên,” là “vị cứu tinh” của đời mình.

Nên duyên vợ chồng nhờ 41 chiếc lá

Mới đây, tôi có dịp đến thăm cùng vợ chồng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu, cảm động khi chứng kiến sự chăm sóc của bà Ngà đối với “thầy chồng” – như cách mà bà trìu mến gọi ông, vừa là chồng, vừa từng là thầy dạy hát của bà.

Bà Ngà là vợ thứ ba của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu. Bà sinh năm 1954, người gốc phố cổ Hà Nội, sau chuyển vào sinh sống ở miền Nam. Thời còn ở Hà Nội, nhà của ông Trần Hiếu và bà Ngà cùng một con ngõ, cách nhau mấy nhà. Anh trai của bà là bạn thân của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu. Tuy nhiên, vì cách biệt tuổi tác nên cả hai cũng không quan tâm lắm tới nhau dù bà Ngà hâm mộ giọng hát của nghệ sỹ, mê nhất là khi nghe ông hát bài “Con voi.”

TranHieu2.jpg
Nhiều năm qua, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu được vợ chăm sóc chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cả hai gặp lại nhau trong buổi họp hội đồng hương Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 và họ cũng không ngờ lần tái ngộ đó đã mở ra nhân duyên vợ chồng.

Cách biệt đi một quãng thời gian, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu gặp lại bà Ngà khi cùng tập thể dục ở Công viên Tao Đàn. Mỗi khi nghỉ ngơi sau buổi tập, ông ngồi lặng lẽ ngắm bà từ xa mà không hề bắt chuyện.

“Biết cô ấy thường xuyên ngồi nghỉ ở chiếc ghế đá quen thuộc, nhặt lá sa kê làm quạt nên tôi hay nhặt một chiếc lá để sẵn ở vị trí đó. Không biết cô ấy có nhận thấy điều lạ là ngày nào cũng có một chiếc lá ‘rơi’ đúng vị trí mình ngồi không,” Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu kể.

Sau đó, bà Ngà về Hà Nội thăm gia đình, ông Trần Hiếu ở lại với nỗi nhớ nhung. Ngày nào ông cũng ra công viên nhặt một chiếc lá sa kê đặt vào vị trí quen thuộc nhưng đều không thấy, ông bèn thả chiếc lá xuống giếng trong công viên.

Sau 41 ngày thì bà Ngà trở về. Gặp lại nhau, ông mới mạnh bạo bày tỏ: “Ngà ơi! Em về Hà Nội bao nhiêu ngày anh đều nhớ cả. Em về 41 ngày là anh đã thả 41 chiếc lá xuống giếng.”

20220511_112523.jpg
Bà Minh Ngà giãi bày tâm sự trong dịp Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu ra mắt sách năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ban đầu, bà Ngà rất bối rối trước tình cảm đó nhưng rồi sự chân thành đã kéo họ xích lại gần nhau.

Sau này, nghệ sỹ viết tặng bà Ngà một bài thơ, trong đó có hai câu mà bà nhớ nhất: “Người về đất Bắc xa xôi/ Để tôi nhặt lá vàng rơi một mình.”

Về phía bà Ngà, trước khi đến với nghệ sỹ Trần Hiếu, bà cũng đã đi qua một cuộc hôn nhân, có một trai và một con gái. Bà thương quý ông vì ông là người hiền lành, chân chất, thật thà. Là nghệ sỹ lớn nhưng ông không hề kiêu ngạo, màu mè.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Ngà cho hay tình cảm giữa bà và Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu từng bị mẹ đẻ của bà phản đối vì “nghệ sỹ phức tạp lắm.”

“Anh Hiếu có ra Hà Nội gặp mẹ tôi để thưa chuyện nhưng mẹ tôi không đồng ý. Bà bảo: ‘Thôi anh ạ, hai con nó đều đang ở nước ngoài, anh để yên cho nó chờ các con về.’ Nghe vậy, anh Hiếu buồn, trở vào lại Sài Gòn. Một tháng sau, nhằm đúng dịp sinh nhật của mẹ tôi, anh Hiếu lại ra Hà Nội, đến hát tặng bà bài ‘Mẹ tôi.’ Nghe xong, bà rất xúc động, nước mắt rưng rưng và bảo tôi ‘thôi, tùy chị, nhưng lấy nghệ sỹ là khổ đấy,” bà Ngà kể.

20220511_104041.jpg
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu hát trong tiếng đàn của người bạn - Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi trong một sự kiện năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Ngà tâm sự rằng họ đã đến với nhau nhờ tình thương yêu chân thành và sự thấu hiểu, đồng cảm, để rồi suốt 20 năm qua, bà Ngà không chỉ là vợ mà còn là quản lý, trợ lý, hộ lý của nam nghệ sỹ, đồng hành cùng ông trải qua nhiều trận ốm "thập tử nhất sinh."

Con tằm rút ruột nhả tơ

Mới đây, trong chương trình “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu đã thể hiện ca khúc “Hò kéo pháo-Đường lên phía trước.”

Vẫn chất giọng hào sảng, toát lên sự say mê âm nhạc, người nghệ sỹ U90 đã làm sống lại một không khí hào hùng của ngày chiến thắng. Thế nhưng, khán giả đâu biết rằng ông đang chiến đấu với căn bệnh ung thư đã di căn vào xương cùng tiểu đường type 2.

Bà Ngà chia sẻ rằng ông đam mê âm nhạc cháy bỏng. Ca hát đối với ông cũng cần thiết như hít thở. Dù sức khỏe ngày một yếu đi, đôi lúc bệnh tật, tuổi tác khiến ông quên lời bài hát nhưng cứ có người nghe, có học trò đến thăm là người nghệ sỹ ấy như trẻ lại, khỏe hơn, và sẵn sàng hát tặng một vài bài hát ông yêu thích.

Ông nói: “Nếu không ốm, hàng ngày tôi vẫn luyện thanh, tập đàn. Gần 90 tuổi nhưng nếu có ai gọi đi hát, tôi đi ngay nếu sức khỏe đảm bảo.”

Nói đến vợ, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu xúc động nói bà Ngà là “bà tiên” của cuộc đời mình. Bởi, nếu không có bà đồng hành, chăm sóc, sẻ chia thì ông không thể vượt qua nhiều cơn bạo bệnh trong những năm gần đây.

“Thỉnh thoảng, tôi cũng buồn vì xa con, xa cháu nhưng chúng có gia đình, công việc riêng nên mình tôn trọng. Tôi tâm niệm, mình có ‘trăm tuổi’ thì cũng nhẹ bước lên thiên đường thôi, hậu sự kệ ‘bà tiên’ lo,” ông nói.

Dẫu vậy, bà Ngà cũng đã 70 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, khó mà có thể cáng đáng việc chăm sóc chồng. Con cái đều ở xa, chỉ có hai thân già nương tựa vào nhau, nên họ đang tính toán tìm một viện dưỡng lão để an hưởng tuổi già. Hiềm một nỗi, họ còn băn khoăn vì chi phí khá cao, lương hưu của hai ông bà còn chưa đủ để trang trải. Người nghệ sỹ già đã sống một đời như con tằm rút ruột nhả tơ, cháy hết mình cho âm nhạc nhưng lại chẳng lo tích lũy tài sản cho riêng mình.

Nói đến đây, câu chuyện bỗng trở nên trầm xuống bởi những lo toan, trăn trở, day dứt. Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu chậm rãi hát, tha thiết như nguyện vọng của ông khi lúc hoàng hôn của cuộc đời:

“Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên”
./.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu sinh năm 1936 tại Hà Nội. Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu được biết đến là bố ca sỹ Trần Thu Hà (diva Hà Trần), anh trai của nhạc sỹ Trần Tiến.

Năm 1954, ông tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau đó, ông về làm ca sỹ tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

Ông từng đi học tại Nhạc viện Sofia ở Bulgaria trong 3 năm. Từ năm 1986 đến năm 1991, ông công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ông nổi tiếng với các ca khúc như: “Con voi” (Nguyễn Xuân Khoát), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Lãnh tụ ca” (Lưu Hữu Phước), “Tôi là Lê Anh Nuôi,” “Anh quân bưu vui tính” (Đàm Thanh)...

Ông còn là một nhà giáo dục, đã đào tạo ra nhiều nghệ sỹ tài năng của nền âm nhạc Việt Nam như: Nghệ sỹ Nhân dân Y Moan, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoa, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng, Nghệ sỹ Nhân dân Tấn Minh, ca sỹ Trọng Tấn, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Quang Long…

Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng ông kỷ lục “Nghệ sỹ Nhân dân cao tuổi nhất còn tham gia biểu diễn trên sân khấu.” Năm 2022, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hiếu ra mắt cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” – một công trình ông đã dày công nghiên cứu, góp nhặt kiến thức và kinh nghiệm trong một đời làm nghệ thuật, giảng dạy để viết nên.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục