Theo thông tin từ gia đình, nghệ sỹ nhân dân Anh Tú - người thuyền trưởng của Nhà hát Kịch Việt Nam đã qua đời lúc 12 giờ 35 (ngày 20/12) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) sau một thời gian điều trị bệnh.
“Dù biết không ai thoát được vòng sinh-lão-bệnh-tử, hơn nữa, mấy ngày gần đây, bệnh của Anh Tú trở nặng nhưng tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng, hụt hẫng vô cùng khi nhận tin Tú đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi. Thực sự đau lắm!” nghệ sỹ ưu tú Minh Hằng - một người bạn thân thiết của nghệ sỹ nhân dân Anh Tú chia sẻ.
Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú (tên đầy đủ là Phạm Anh Tú) sinh năm 1962, cùng thế hệ với nhiều tên tuổi gạo cội của làng kịch nghệ phía Bắc như nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, nghệ sỹ ưu tú Minh Hằng…
“Anh Tú đã sống một cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật; luôn nhiệt tình, hết lòng với bạn bè, đồng nghiệp và học trò,” nghệ sỹ Minh Hằng bày tỏ.
[Nghệ sỹ Việt dàn dựng “Romeo và Juliet”: Cuộc chơi mạo hiểm?]
Trên sân khấu kịch, tên tuổi nghệ sỹ Anh Tú gắn liền với nhiều vở chính kịch nổi tiếng như: “Vũ Như Tô,” “Rừng trúc,” “Macbeth”…
Sau đó, anh thành công trong vai trò đạo diễn với nhiều vở kịch như "Cô gái đội mũ nồi xám,” “Nhà có năm anh em trai,” “Tai biến,” “Lâu đài cát,” “Biệt đội báo đen” và “Bão tố Trường Sơn”…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nghệ sỹ nhân dân Anh Tú luôn nỗ lực đưa những yếu tố mới, đương đại vào các vở diễn (“Kiều,” “Romeo và Juliet”…) để thu hút người xem, tìm lại khán giả cho sân khấu kịch.
Trước khi về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Anh Tú từng đảm nhiệm cương vị Trưởng đoàn Kịch 1 - Nhà hát Tuổi Trẻ. Năm 2013, nghệ sỹ Anh Tú được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ tháng 4/2018, nghệ sỹ nhân dân Anh Tú trở thành người thuyền trưởng của “anh cả đỏ” trong làng kịch nghệ khi được bổ nhiệm Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bên cạnh công việc quản lý, dàn dựng các tác phẩm sân khấu, nghệ sỹ nhân dân Anh Tú còn tham gia công tác giảng dạy (ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) và góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình: “Chiều ngang qua phố cũ,” “Đàn trời,” “Của để dành”…/.